Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới của buôn căn cứ Cư Drăm

08:23, 24/09/2021

Cách đây 40 năm, khi nhắc đến vùng đất Cư Drăm, mọi người đều liên tưởng đây là chốn “thâm sơn cùng cốc”, nơi mà đi đến đâu cũng bị muỗi đốt, vắt rừng bu bám, giao thông cách trở, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn…

Sau khi chia tách thành lập huyện Krông Bông (ngày 19-9-1981), từ những chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước, huyện Krông Bông đã triển khai hàng loạt các chương trình đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ kháng chiến…

Đường giao thông nội vùng ở buôn Cư Drăm.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TV, ngày 26-9-1987 của Tỉnh ủy Đắk Lắk (khóa X) về “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc vận động định canh, định cư trong đồng bào dân tộc”, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng vùng căn cứ, phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện về cơ sở “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.

Nhờ vậy, đồng bào các dân tộc nơi đây đã biết làm kinh tế vườn, đắp đập làm thủy lợi. Chỉ sau 1 năm, buôn Cư Drăm (xã Cư Drăm) đã hoàn thành công tác định canh, định cư.

Ông Ama Tuyên, nguyên Bí thư Chi bộ buôn Cư Drăm (giai đoạn 1993 - 2015) nhớ lại: Năm 1993, cả buôn ở tập trung một khu vực rộng khoảng 2 ha với vài chục nóc nhà dài bằng tranh tre lá nứa, sản xuất manh mún, lạc hậu.

Trước tình hình đó, chi bộ đã vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng đa cây, đa con, gắn phát triển cây cà phê với trồng cây ngô lai, lúa nước.

Để hoàn thành công tác định canh định cư, chi bộ ban hành nghị quyết chuyên đề về chăn nuôi gia súc có chuồng trại, hộ gia đình phải có các công trình vệ sinh phòng bệnh; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gắn với phục hồi lễ hội cúng bến nước, dân ca, dân vũ, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Ông Ama Tuyên nguyên Bí thư Chi bộ buôn Cư Drăm (1993-2015) chia sẻ những thành tựu sau 40 năm.

Trong 40 năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cho buôn Cư Drăm, cấp đất theo Chương trình 132 cho những gia đình thiếu đất sản xuất.

Đặc biệt, qua 10 năm triển khai Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo buôn Cư Drăm có nhiều khởi sắc, những con đường đất trong buôn đã được bê tông hóa 100% với tổng chiều dài 3.427 m; các công trình hạ tầng thiết yếu như: Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phòng học mẫu giáo, phân hiệu trường tiểu học được xây dựng khang trang. Trong buôn có sân bóng đá mini; 100% số hộ dân được dùng điện sinh hoạt an toàn, sử dụng nước sạch…

Hiện nay, buôn Cư Drăm có 267 hộ, 1.484 khẩu, diện tích gieo trồng 585 ha, trong đó có 211 ha cà phê, bình quân mỗi hộ trên 2 ha. Nếu như năm 1997 thu nhập đầu người là 300.000 đồng/năm thì đến năm 2020 bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng, cao hơn bình quân chung của xã 2 triệu đồng; 65% số hộ có nhà ở khang trang, sạch đẹp, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 27,3% …

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.