Multimedia Đọc Báo in

Tránh "bê tông hóa" nhận thức về làm đường giao thông nông thôn!

08:21, 12/07/2022

Ở thôn A nọ, khi ban tự quản thôn đưa ra phương án huy động nhân dân tiếp tục bê tông hóa đường trục thôn, một hộ gia đình không thống nhất nộp tiền quy theo diện tích canh tác như những năm trước đây mà chỉ ủng hộ kinh phí trên tinh thần tự nguyện. Lý do là gia đình này hầu như không còn sử dụng đường trục thôn và đã đi lại bằng tuyến đường khác mới được Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn thiện.

Chuyện không có gì đáng nói nếu như sau đó không xảy ra sự việc trưởng thôn cùng một số người chặn xe vận chuyển nông sản của gia đình trên. Dù họ đã trình bày lý do là tài xế xe tải của đại lý thu mua nông sản không biết nên mới đi vào đường trục thôn nhưng nhóm người của trưởng thôn vẫn nhất quyết không cho xe lưu thông vì chưa đóng tiền làm đường, buộc gia đình này phải chở nông sản quay về nhà bằng xe máy.

Chuyện dở khóc dở cười ở thôn A có thể xảy ra ở nhiều địa bàn dân cư khác, nếu như chính những người đại diện nhân dân huy động đóng góp xây dựng đường giao thông nói riêng và nông thôn mới nói chung chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của chương trình này. Người đứng đầu nhận thức không đầy đủ sẽ dẫn đến hành động cảm tính, truyền tải thông tin lệch lạc đến một bộ phận người dân, gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại một địa phương.

Đường giao thông nông thôn là để phục vụ cộng đồng, không phải là tài sản sở hữu của riêng ai, không ai có quyền ngăn cản người dân sử dụng hợp pháp công trình công ích ấy. Chính vì vậy, hành động chặn đường, không cho xe lưu thông của trưởng thôn vì người dân chỉ ủng hộ tiền chứ không đóng đủ theo định mức thôn đưa ra là không hợp lý, hợp tình, cũng không đúng theo quy định pháp luật.

Việc huy động đóng góp của nhân dân thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn trước nay là để chính người dân hưởng lợi và phải dựa trên tinh thần tự nguyện góp công, góp của. Thế nhưng, ở một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng chạy theo thành tích làm đường mà dẫn đến tư duy áp đặt, chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu, điều kiện, nguyện vọng chính đáng của người dân. Điều này có thể dẫn đến việc công kích cá nhân, gây mâu thuẫn, hiềm khích trong cộng đồng dân cư, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự.

Nếu vẫn còn lối tư duy và hành động như thế thì dù đường giao thông nông thôn có được bê tông hóa toàn bộ, nơi ấy vẫn chưa thể trở thành vùng quê đáng sống khi tình làng nghĩa xóm cũng đã bị “bê tông hóa” theo con đường!

Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.