Multimedia Đọc Báo in

Ưu tiên vốn đền bù giải phóng mặt bằng cho Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa

07:17, 27/04/2022

Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa, đơn vị chủ đầu tư cùng chính quyền các địa phương và cấp, ngành có thẩm quyền đã và đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ.

Dự án tạm dừng thi công do đâu?

Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư. Dự án có hai công trình hồ chứa, với dung tích hơn 3,1 triệu m3, gồm hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (xã Yang Tao và xã Bông Krang, huyện Lắk).

Theo kế hoạch ban đầu, dự án được chia làm 2 giai đoạn triển khai thực hiện từ năm 2018 – 2022, thế nhưng khi vẫn chưa hoàn thiện xong giai đoạn 1 thì đã tạm dừng thi công do thiếu vốn.

Hạng mục hồ Yên Ngựa, xã Cư Êwi (thuộc Dự án Hồ Chứa nước Yên ngựa) tạm dừng thi công do thiếu vốn. 

Tại huyện Cư Kuin, năm 2021, các hạng mục đầu mối và hệ thống kênh hồ Yên Ngựa (giai đoạn 1) được triển khai thực hiện. Ghi nhận thực tế cho thấy, tại hạng mục đập tràn của dự án thuộc thôn 1B, xã Cư Êwi chỉ có một hố móng đang thi công dang dở, trụ thép đã dần hoen gỉ. Theo phản ánh của người dân, công trình bỏ dở đã vài tháng không có ca máy, công nhân.

Thực tế quá trình phê duyệt, kiểm đếm tài sản trên đất bồi thường dự án được Ban tỉnh thực hiện vào năm 2020. Người dân đã bàn giao đất để GPMB. Thế nhưng gần hai năm chờ đợi, "cơn sốt" bất động sản diễn ra ở khắp nơi khiến giá đất tại địa bàn tăng cao, người dân chưa nhận được tiền đền bù nên cũng không thể mua đất đai để canh tác, trong khi vật giá leo thang từng ngày, lại không có nguồn thu nhập, ai cũng như “ngồi trên đống lửa”. Bức xúc vì đất đã giao nhưng tiền thì đền bù vẫn chưa được nhận, các hộ dân xã Cư Êwi đã gửi đơn kiến nghị tập thể đến các cấp có thẩm quyền yêu cầu chi trả bồi thường.

“UBND huyện đã tổ chức các buổi làm việc với Ban tỉnh để cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án với mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền lợi của người dân. Đồng thời chủ động kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giao Ban tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để chi trả sớm cho các hộ dân bị thu hồi đất đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Cùng với đó, căn cứ vào thiết kế điều chỉnh hệ thống kênh mương, sớm cung cấp lại trích lục theo thiết kế điều chỉnh để UBND huyện triển khai các công việc có liên quan đến công tác bồi thường GPMB".

Ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin

Theo báo cáo số 118/BC-BQLDAGTNN, ngày 19/4/2022 của Ban tỉnh cho UBND tỉnh báo cáo nhanh kết quả thực hiện và khó khăn, vướng mắc của dự án, Ban tỉnh cho rằng, đến nay Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin chưa tổ chức bàn giao diện tích đã GPMB, đã chi trả tiền đầu tư cho nhà thầu thi công.

Trao đổi về vấn đề trên, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy nêu rõ quan điểm: bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân có đất thu hồi để thi công Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa đang là vấn đề được huyện quan tâm hàng đầu. Năm 2021, trong quá trình Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đo đạc, kiểm kê để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, phát hiện có nguồn gốc đất của nhiều hộ dân bị chồng lấn, sai vị trí, dẫn tới việc chưa xác định đúng đối tượng để bồi thường gây ảnh hưởng ít nhiều đến công tác GPMB. Tuy nhiên, đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã quyết liệt tháo gỡ và đây không phải nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án tạm dừng thi công.

UBND huyện Cư Kuin hiện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và kinh phí tổ chức thực hiện được 4/5 đợt theo kế hoạch. Số tiền Ban tỉnh chuyển cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện thực hiện đền bù GPMB theo các đợt đã được chi trả theo đúng quy định.

Ưu tiên vốn cho đền bù GPMB

Để tìm cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện dự án, mới đây Ban tỉnh đã làm việc với UBND các huyện Cư Kuin và Lắk cùng các sở, ngành có liên quan.

Theo Ban tỉnh, tổng mức đầu tư của dự án hiện tăng từ 305,5 tỷ đồng lên 468 tỷ đồng (tăng 162,5 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu) chủ yếu do chi phí GPMB (tăng 133,35 tỷ đồng).

Người dân xã Cư Êwi xót xa khi đất đai bỏ hoang sau khi giao cho chủ đầu tư trong khi tiền đền bù vẫn chưa thấy đâu.

Theo phê duyệt tại Quyết định số 1434/QĐ-UBND, ngày 29/6/2020 của UBND tỉnh, chi phí đền bù GPMB là 47,8 tỷ đồng. Đến nay, tổng giá trị phê duyệt của phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án là hơn 80 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Ban tỉnh đã chuyển kinh phí GPMB cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin chi trả cho các hộ dân để thực hiện hạng mục hồ Yên Ngựa hơn 34 tỷ đồng (thiếu hơn 37,5 tỷ đồng so với phương án phê duyệt).

Cho ý kiến góp ý để đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn mà dự án đang mắc phải trong công tác đền bù GPMB, ông Y Hương Niê, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng gợi ý “lời giải” cho bài toán vốn thi công GPMB của Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa đó là chuyển từ giá trị hợp đồng xây lắp chưa thi công trong gói thầu số 2 (gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đầu mối hồ buôn Biếp), trong kế hoạch ứng vốn chỉ có 80 tỷ đồng nhưng Ban tỉnh đã cho đơn vị ứng 136 tỷ đồng giá gói thầu (hiện giá trị giải ngân là 48,82 % bao gồm khối lượng hoàn thành 9,58%; giá trị tạm ứng 44,44%) để chuyển qua vốn đền bù GPMB.

Trong thời gian chờ giai đoạn 2 của dự án được triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ xem xét tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án…

Có thể thấy, trong khi có rất nhiều dự án đang “dậm chân tại chỗ”, thậm chí phải “đắp chiếu” vì vướng mắc trong GPMB do không tìm được sự đồng thuận của người dân thì Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa có điểm thuận lợi hơn khi người dân đồng tình bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện. Chính vì vậy, Ban tỉnh và các bên liên quan cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, nhanh chóng tìm cách tháo gỡ vướng mắc để để dự án sớm hoàn thành, phát huy tác dụng và bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.