Multimedia Đọc Báo in

Cụm công nghiệp Ea Đar (huyện Ea Kar): Phát triển theo hướng nào để thực sự hiệu quả?

08:14, 24/02/2022

Trong lộ trình xây dựng huyện Ea Kar trở thành thị xã trước năm 2025, Cụm công nghiệp Ea Đar được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc phát triển cụm công nghiệp này theo hướng nào là vấn đề cần được quan tâm.

Những lợi thế ban đầu

Cụm công nghiệp Ea Đar thuộc xã Ea Đar có diện tích gần 53 ha, tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên 30,4 tỷ đồng. Mục tiêu của cụm công nghiệp này là thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa, chế biến gỗ cao cấp...

Cụm công nghiệp Ea Đar (xã Ea Đar, huyện Ea Kar).

Huyện đã quan tâm đầu tư thực hiện công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng để giao mặt bằng “sạch” cho doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh để xúc tiến, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư. Thêm vào đó, cụm công nghiệp thuộc địa bàn cửa ngõ phía Đông của tỉnh, trên tuyến Quốc lộ 26 nên rất thuận tiện về giao thương. Nguồn nguyên liệu tại địa phương và các huyện xung quanh như Krông Pắc, Krông Bông, Krông Năng, M’Drắk rất dồi dào, đa dạng là những thế mạnh thu hút các nhà đầu tư.

 

“Huyện Ea Kar đang triển khai thủ tục quy hoạch Cụm công nghiệp Ea Ô (xã Ea Ô), nằm trên trục đường giao thông kết nối với tuyến đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; hoàn thiện hạ tầng, kêu gọi các dự án đầu tư lấp đầy diện tích tại Cụm công nghiệp Ea Đar nhằm thúc đẩy phát triển logistics, giải quyết vấn đề đầu ra của nông sản và phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện”.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ea Kar Trần Đình Toản

Đến nay, Cụm công nghiệp Ea Đar có 10 dự án đầu tư đã được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất đạt 63,74%. Hiện nay, tại cụm công nghiệp có 7 doanh nghiệp đang hoạt động, 3 doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động.

Ông Lê Tài, Giám đốc Công ty TNHH Trái cây Darlac Farms, Cụm Công nghiệp Ea Đar cho biết: Trung bình mỗi năm, Công ty thu mua trên 6.000 tấn nông sản, chủ yếu là mít, khoai, bí để sản xuất từ 300 – 400 tấn trái cây sấy cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Công ty đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, mở rộng nhà máy thêm 3 ha tại khu B trong cụm công nghiệp để phát triển sản xuất, góp phần đáng kể giải quyết bài toán “đầu ra” cho nông sản của địa phương và việc làm cho lao động nông thôn.

Tìm hướng phát triển phù hợp

Thực tế cho thấy, việc phát triển của Cụm công nghiệp Ea Kar chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của địa phương. Nguyên nhân là do công tác quy hoạch xây dựng hiện đã phát sinh nhiều bất cập, cần phải điều chỉnh, nhất là các phân khu chức năng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại đây chưa hoàn thiện, đồng bộ, một số hạng mục cần được tiếp tục đầu tư, nâng cấp.

Ngoài những khó khăn trên, vấn đề đặt ra hiện nay là trong lộ trình xây dựng và phát triển huyện Ea Kar lên thị xã trước năm 2025, khu hành chính mới, các khu dân cư, khu chức năng đô thị mới sẽ hình thành gần Cụm công nghiệp Ea Đar. Việc kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp này, theo đó sẽ không còn phù hợp với định hướng quy hoạch của tỉnh.

Sản xuất trái cây sấy tại Công ty TNHH Trái cây Darlac Farms, Cụm công ngiệp Ea Đar.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ea Kar Trần Đình Toản, để thúc đẩy kêu gọi các nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cụm công nghiệp Ea Đar, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các sở, ngành liên quan xem xét, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của cụm gồm các hạng mục như: hệ thống xử lý nước thải tập trung, san lấp mặt bằng, nhà điều hành, nhà trưng bày sản phẩm, các trục đường nội bộ còn lại, hệ thống cấp nước sạch...

Bên cạnh đó, tỉnh cần thu hồi chủ trương đầu tư đối với các đơn vị đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc không hoạt động gồm: Công ty Cổ phần Vinamit (4 ha), Công ty TNHH Đông Tây Nguyên (1,1 ha) và Dự án Nhà máy chế biến và Silo chứa lúa gạo nông sản công nghệ cao của Công ty TNHH Gạo công nghệ cao Agroinpro (5 ha) để giải quyết cho những dự án đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện cũng đang triển khai các thủ tục điều chỉnh phân khu chức năng cụm công nghiệp, bổ sung quy hoạch 2,5 ha vào quy hoạch cụm để quản lý hiệu quả.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.