Multimedia Đọc Báo in

Những người "dám tấn công lên trời

14:29, 23/06/2021

Đến thăm thủ đô Paris nước Pháp, những người yêu thích lịch sử - văn hóa đều mong muốn tìm hiểu về Công xã Paris – Nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, cho dù nhà nước ấy chỉ tồn tại vỏn vẹn 2 tháng.

 Bức tường Công xã

Nhờ một du học sinh Việt Nam tại Paris, chúng tôi đến thăm nghĩa trang Père – La Chaise (tức Linh mục La Chaise), nơi yên nghỉ của các chiến sĩ Công xã Paris. Đây là một nghĩa trang – công viên nổi tiếng vì có nhiều lăng mộ của các danh nhân thế giới.

Việc đầu tiên khi vào nghĩa trang là mua một tấm bản đồ vì nghĩa trang rất rộng với diện tích gần 45 ha, chia thành 97 khu vực. Mỗi khu vực có cả trăm ngôi mộ, được giới hạn bởi các đường bao. Những ngôi mộ của các danh nhân (vua chúa, các nhà quý tộc, chính khách, văn nghệ sĩ…) được định vị theo số hiệu các khu vực để tiện cho du khách tìm kiếm. Sau khi tìm được mộ của một số danh nhân như nhạc sĩ thiên tài Sô-panh, các nhà văn La Phông-ten, Mô-li-e, Banzắc..., chúng tôi đi tìm Bức tường Công xã theo thông tin trên Wikipedia. Tuy nhiên, khi dò mục lục số hiệu định vị trên bản đồ nghĩa trang thì không thấy. Cô sinh viên dẫn đường tra lại Google theo tiếng Pháp thì mới biết, Bức tường Công xã còn có tên là “Bức tường nghĩa quân” (Mur des Fédérés). Tra trên bản đồ nghĩa trang thì thấy có hẳn một dòng chữ “Mur des Fédérés” nằm ở góc đông nam nghĩa trang, khu số 97.

Vừa tìm đến khu 97, chúng tôi đã thấy bức tường bao của nghĩa trang hiện ra. Không như những khu vực khác có những ngôi mộ chen chúc với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau (có những ngôi mộ giống như tòa lâu đài thu nhỏ), khu này rất thoáng đãng với nhiều luống hoa chạy dọc theo bức tường là ranh giới giữa nghĩa trang với khu dân cư ngoại ô Paris. Gặp một đoạn tường dưới chân là bệ xi măng có nhiều bó hoa đỏ tươi, chúng tôi dừng lại. Trên tường có một tấm đá hoa cương khắc dòng chữ "AUX MORTS DE LA COMMUNE 21-28 Mai 1871" (cô sinh viên dịch: “Tưởng niệm những người đã hy sinh vì Công xã từ 21 đến 28-5-1871”). Có thể hiểu đây là khu mộ chung, và bức tường chính là tấm bia mộ!

Tấm đá hoa cương ghi dòng chữ có nội dung
Tấm đá hoa cương ghi dòng chữ có nội dung "Tưởng niệm những người đã hy sinh vì Công xã từ 21 đến 28-5-1871". Ảnh: Thế Nhân

“Tuần lễ đẫm máu”

Từ ngày 21 đến 28-5-1871 được sử sách Pháp gọi là "Tuần lễ tháng 5 đẫm máu". Đây chính là giai đoạn cuối cùng của Công xã Paris. Còn trước đó, từ ngày 18-3-1871, Công xã Paris đã làm được một việc mà Mác gọi là “dám tấn công lên trời”: quân khởi nghĩa cách mạng đánh chiếm các cơ quan chính phủ và công sở, làm chủ thành phố Paris.

Ngày 26-3-1871, lần đầu tiên trên thế giới, nhân dân lao động Paris đã tham gia bầu cử Hội đồng Công xã theo hình thức phổ thông đầu phiếu, chọn những người đại diện cho chính mình. Ngày 28-3-1871, Công xã chính thức tuyên bố thành lập với một Hội đồng mà thành phần chủ yếu là công nhân, trí thức dân chủ, một số nhà hoạt động chính trị người nước ngoài, và một số thuộc thành phần tư sản (nhưng sau đó phản bội và bỏ trốn). Đáng chú ý là trong thành viên Hội đồng có nhiều hội viên của Quốc tế thứ I (Hội Liên hiệp Lao động Quốc tế) thuộc chi nhánh Paris. Quốc tế thứ I là tổ chức cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản quốc tế, thành lập năm 1864 tại Luân Đôn (Anh). Mục đích chung được ghi trong “Tuyên ngôn” thành lập và “Điều lệ” do Các Mác soạn thảo là đoàn kết giai cấp công nhân, đấu tranh lật đổ chính quyền tư sản và thiết lập chính quyền của giai cấp vô sản... Chính vì vậy, sau khi ra mắt, Hội đồng Công xã Paris đã giải tán quân đội, cảnh sát cũ, thay vào đó là các lực lượng vũ trang nhân dân; đồng thời chủ trương nhiều chính sách tiến bộ: Nhà thờ tách khỏi trường học, công nhân được làm chủ những xí nghiệp có chủ bỏ trốn, kiểm soát chế độ tiền lương, giảm lao động ban đêm, cấm cúp phạt công nhân, thực hiện giáo dục bắt buộc...

Tuy nhiên, do chính quyền vô sản chỉ thực hiện ở Paris nên tàn quân của chính phủ tư sản đã tập hợp tổ chức lại lực lượng tại Véc-xay, thành phố cách Paris chỉ 14 km. Đồng thời chính phủ phản động Véc-xay đã thỏa hiệp với quân xâm lược Phổ để có thêm lực lượng đàn áp Công xã. Bắt đầu từ ngày 21-5-1871, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt; nhiều chiến lũy được dựng lên trên những đường phố Paris để ngăn cản quân chính phủ. Các tầng lớp nhân dân lao động cùng lên chiến lũy với các đơn vị quân cách mạng để đẩy lùi các cuộc tấn công của quân địch. Do chênh lệch về so sánh lực lượng nên cuối cùng các chiến lũy bị tan vỡ. Ngày 28-5-1871, 147 chiến sĩ công xã đã rút lui về cố thủ tại cứ điểm nghĩa trang Père – La Chaise. Họ đã lợi dụng các ngôi mộ làm chướng ngại vật để đánh trả lại quân đội chính phủ. Cuối cùng họ bị dồn về góc đông nam nghĩa trang, lần lượt bị bắt và bị thảm sát tại đây cùng với nhiều chiến sĩ công xã bị bắt ở nơi khác đưa về.

Du khách tham quan nghĩa trang - công viên Père La Chaise.
Du khách tham quan nghĩa trang - công viên Père La Chaise.

Những người hy sinh vì nghĩa lớn

Nhân dân Paris đã xây dựng lại đoạn bức tường bao hàng trăm mét và gắn biển, tượng trưng cho tấm bia lớn tưởng niệm những người đã hy sinh anh dũng vì Công xã. Khu đất chạy dọc theo Bức tường được dành để trồng hoa. Về sau khu vực gần Bức tường (khu 97) được dành để xây dựng một loạt đài tưởng niệm các nạn nhân Trại tập trung Đức Quốc xã, chôn cất các chiến sĩ tình nguyện Pháp trong nội chiến Tây Ban Nha, chiến sĩ kháng chiến Pháp trong Đại chiến Thế giới thứ II và các nhà lãnh đạo cánh tả của Pháp.

Với ý nghĩa đặc biệt của Bức tường Công xã, nghĩa trang Père - La Chaise được lựa chọn là nơi làm lễ kỷ niệm hằng năm của những người cánh tả với số lượng từ vài trăm đến vài nghìn người (theo Wikipedia, cá biệt năm 1936 có tới 600.000 người tham gia lễ kỷ niệm). Các buổi lễ này được tổ chức bởi lãnh đạo của các đảng cánh tả và các tổ chức cánh tả khác (như Đảng dân chủ xã hội, Đảng Cộng sản Pháp). Hội đồng thành phố Paris đã đưa Bức tường Công xã vào diện các lăng mộ được chăm sóc đặc biệt của nghĩa trang Père – La Chaise, hằng ngày đều có hoa tươi. Bức tường đã vượt ra khỏi phạm vi của một tấm bia tưởng niệm, trở thành biểu tượng sức sống trường tồn của lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Quả thật vậy, Công xã Paris tuy chỉ tồn tại 2 tháng và sau đó bị trả thù rất đẫm máu nhưng những nguyên lý chủ yếu của Công xã Paris năm 1871 đã được C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lê-nin tổng kết, phát triển và hoàn thiện cả về lý luận lẫn thực tiễn: Muốn lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản thắng lợi, giai cấp công nhân phải xây dựng một đảng vô sản chân chính, phải dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền... Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã hiện thực hóa điều đó, mở ra con đường cách mạng vô sản cho giai cấp công nhân ở các nước tư bản và nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc bị áp bức đứng lên tự giải phóng, trong đó có Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dương Thế Hoàn


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.