Multimedia Đọc Báo in

Thôn Noh Prông làm tốt công tác hòa giải cơ sở

08:38, 11/07/2012

Người dân thôn Noh Prông, xã Hòa Phong (Krông Bông) chủ yếu là đồng bào Mông di cư tự do, trình độ học vấn thấp, 80% đồng bào không am hiểu  tiếng phổ thông, nhiều phong tục tập quán cũ còn ăn sâu trong nếp nghĩ của mỗi người, do đó công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhiều vụ việc mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân với nhau; tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình; những vi phạm pháp luật khác mà theo quy định của pháp luật chưa đến mức xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính không sớm được phát hiện, giải quyết đã gây ra hậu quả xấu. Ông Hoàng Văn Bằng, Trưởng thôn Noh Prông cho biết: “Trước đây, có nhiều vụ cãi vã trong gia đình không được giải quyết kịp thời nên mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài, khi phát hiện thì hậu quả thật khó lường. Điển hình như vụ gia đình ông Hoàng Văn Thịnh bất hòa. Mặc dù ban tự quản thôn đã nhiều lần giải quyết nhưng không thành, Hoàng Văn Thịnh vẫn ôm mối hận trong lòng, một hôm dùng súng tự chế bắn chết vợ và mẹ vợ, sau đó tự  sát. Còn có những vụ việc khác phải chuyển lên xã, gây tốn kém thời gian công sức của nhiều người”.

   Ông Hoàng Văn Băng (áo trắng), tổ trưởng tổ hòa giải thôn Noh Prông đang hòa giải mâu thuẫn vợ chồng trong một gia đình.
Ông Hoàng Văn Băng (áo trắng), tổ trưởng tổ hòa giải thôn Noh Prông đang hòa giải mâu thuẫn vợ chồng trong một gia đình.

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2005, tổ hòa giải của thôn Noh Prông được củng cố kiện toàn gồm 13 thành viên, do ông Hoàng Văn Bằng, Trưởng thôn  làm tổ trưởng. Thôn xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi người làm công tác hòa giải phải là người có uy tín, có khả năng thuyết phục nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, am hiểu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước mới có thể hoàn thành tốt trọng trách được giao. Việc hòa giải ở cơ sở phải được giải quyết kịp thời nhằm ngăn chặn ngay từ đầu những tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân và hành vi vi phạm pháp luật, không để mâu thuẫn, tranh chấp đơn giản thành phức tạp, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng Tổ hòa giải đã phối hợp chặt chẽ với tổ Mặt trận dân cư và các chi hội đoàn thể trong thôn tổ chức các buổi sinh hoạt hội họp để tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân. Do tính chất của từng vụ việc không giống nhau, nên mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra, sau khi tiếp nhận thông tin, trước tiên tổ hòa giải cử các thành viên trực tiếp đến nơi tranh chấp xác minh, tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ việc, từ đó bàn bạc cách giải quyết phù hợp. Cách giải quyết các mâu thuẫn của tổ hòa giải thường dựa trên các quy định của pháp luật và hương ước của thôn một cách thấu tình đạt lý, cũng như mối quan hệ tình cảm của đôi bên để hàn gắn, động viên bà con phát huy tốt truyền thống “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ” hoặc “bà con xa không bằng láng giềng gần”. Nhờ cách làm này đã hạn chế được nhiều vụ việc xảy ra trong nội bộ gia đình và thôn xóm. Theo thống kê, trong năm 2011, tổ hòa giải thôn Noh Prông đã tiếp nhận và hòa giải thành công 15 vụ việc, chuyển về xã 3 vụ (nguyên nhân khi tổ hòa giải mời giải quyết thì  đối tượng không đến), so với năm trước giảm 5 vụ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, tổ đã tiếp nhận và hòa giải thành 7 vụ, chuyển về xã 2 vụ.

Mai Viết Tăng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.