Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học: Bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái - Kỳ I

08:47, 12/09/2016

Đắk Lắk là tỉnh có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn tài nguyên  này đang đứng trước mối đe dọa suy giảm nghiêm trọng. Vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là cần có các giải pháp quản lý, khai thác đi đôi với bảo vệ; đặc biệt cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo tồn.

Kỳ I: Hiện trạng và thách thức

Sự đe dọa từ tác động,, nhận thức của cộng đồng dân cư, áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội, thiếu nguồn lực đầu tư và phương thức bảo tồn chưa hợp lý… là những tác nhân gây nên sự suy giảm ĐDSH trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Suy giảm đa dạng sinh học

Hệ sinh thái tự nhiên bị tác động và suy thoái, hệ thực vật và động vật bị suy giảm nghiêm trọng; đặc biệt, số lượng loài động, thực vật bị đe dọa tăng lên là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Nếu như trước đây các diện tích rừng tự nhiên đều là rừng nguyên sinh, theo thời gian dưới sự tác động của con người đã bị suy giảm; trong đó, diện tích rừng nguyên sinh đang dần bị thay thế bằng rừng thứ sinh. Chất lượng rừng giảm khiến rừng ngày càng trở nên nghèo về trữ lượng cũng như số lượng, kéo theo đó là những hệ lụy về việc báo động hệ động, thực vật ngày càng ít đi; thậm chí có nhiều loài đứng trước nguy cơ cạn kiệt, bị xóa sổ. Đơn cử như thủy tùng là loại thực vật quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà của thế giới, cả nước hiện chỉ còn duy nhất 2 quần thể thủy tùng tại Đắk Lắk là rừng đặc dụng Ea Ral (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) và Trấp Ksơ (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) với số lượng khoảng 200 cây. Hay như nhiều loài gỗ quý hiếm gồm cẩm lai, giáng hương, trắc, cà te, gụ mật… và nhiều dược liệu quý có trữ lượng lớn ở các khu rừng như nấm đất, sơn dương, mã hồ, sao hải nam, gõ đỏ, trầm hương, yến phi, vàng đắng, mã tiền… đang dần cạn kiệt.

Du khách tham quan và tìm hiểu sự đa dạng của hệ sinh thái ở Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Du khách tham quan và tìm hiểu sự đa dạng của hệ sinh thái ở Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Cùng với đó, do những thay đổi về điều kiện tự nhiên và tác động nhiều mặt của con người, hầu hết các loài động vật trước đây có số lượng lớn, cả những loài quý hiếm được ghi vào danh sách quản lý và bảo vệ của thế giới đến nay số lượng đã giảm đáng kể. Cách đây 30-35 năm, voi rừng vẫn còn ở các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Lắk, Krông Bông, Ea H’leo, Krông Năng nhưng nay đã hoàn toàn biến mất. Ở một số huyện khác thì xuất hiện tình trạng voi hoang dã bỏ rừng kéo về phá nương rẫy để kiếm ăn, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản con người. Loài hổ ở nhiều khu rừng, loài bò xám ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, loài hươu đầm lầy ở khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô… cũng gần như biến mất. Các loại chim quý như công, trĩ sao, gà lôi, gà tiền… do bị săn bắt nhiều đã di cư đến nơi khác, không còn xuất hiện trong những khu rừng nguyên sinh trên địa bàn tỉnh.

Một thực tế nữa là do nhu cầu cuộc sống của người dân, nhiều loài cá, động vật thủy sinh bị khai thác kiểu tận diệt; sự du nhập các giống cây trồng mới, giống lai năng suất cao làm suy giảm cả diện tích lẫn nguồn gen của các giống cây trồng bản địa… cũng là thực trạng đáng báo động hiện nay.

Nhiều vướng mắc  trong công tác bảo tồn

Theo ông Y Kanin H’đơk, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động để bảo tồn và phát triển ĐDSH. Điển hình như dự án bảo tồn voi, bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, quy hoạch và phát triển rừng đặc dụng; thu thập, lưu giữ các nguồn gen cây trồng bản địa; phát triển nhân nuôi các loài nguy cấp, quý hiếm có giá trị kinh tế cao… Tuy nhiên, rừng vẫn bị tàn phá, lấn chiếm. Tình trạng khai thác, chế biến gỗ, săn bắt, mua bán động vật hoang dã trái phép vẫn diễn ra mà chưa có biện pháp xử lý triệt để; chưa tạo ra cơ chế chính sách cần thiết nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn; nguồn lực làm công tác bảo tồn còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực, chưa đủ trang thiết bị cần thiết…

Các mẫu thực vật quý hiếm được trưng bày tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Các mẫu thực vật quý hiếm được trưng bày tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Trên thực tế, việc bảo tồn ĐDSH vẫn thiên về công tác bảo vệ hơn là bảo tồn; đặc biệt là các giải pháp bảo tồn dựa vào cộng đồng chưa được thực hiện đúng mức; chưa phát triển rộng rãi các công cụ kinh tế như chi trả dịch vụ môi trường sinh thái hoặc áp dụng công cụ quản lý mới theo hướng phát triển bền vững. Cùng với đó, hệ thống cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về ĐDSH còn phân tán, chồng chéo; các văn bản quy phạm pháp luật thực thi Luật Đa dạng sinh học chưa hoàn thiện, đồng bộ nên công tác bảo tồn đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử như với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, mặc dù được thành lập từ năm 2011 với tổng biên chế là 50 người nhưng đến nay chỉ mới được giao 13 chỉ tiêu. Trung tâm vẫn chưa có trụ sở làm việc, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu, cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu nên hiệu quả công tác bảo tồn voi chưa cao…

Có thể nói, không chỉ Đắk Lắk mà các địa phương khác cũng đang phải đối mặt giữa vấn đề bảo tồn ĐDSH và phát triển kinh tế, chính vì vậy, việc quy hoạch bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh là hết sức ý nghĩa và cần thiết để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, cảnh quan phong phú và độc đáo của Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

(Còn nữa)

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.