Multimedia Đọc Báo in

Những quan niệm không đúng về bệnh dại

11:19, 28/05/2021

Bệnh dại là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương, do vi rút dại gây ra. Bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bệnh được dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh đầy đủ ngay sau khi bị phơi nhiễm dại.

Điều đáng nói, hiện nay vẫn còn nhiều người chủ quan hoặc có những suy nghĩ sai lầm về bệnh dại nên phải trả giá rất đắt, thậm chí bằng cả mạng sống của mình.

Chỉ trong vòng một tháng (tháng 3-2021), trên địa bàn tỉnh đã có 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Cả hai trường hợp này đều không tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại mặc dù bị chó cắn và con chó chết sau đó vài ngày. Theo thống kê của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), từ năm 2017 đến nay tại Đắk Lắk có 26 trường hợp tử vong vì bệnh dại, riêng 3 tháng đầu năm 2021 đã có 3 trường hợp tử vong vì bệnh này. Tất cả những trường hợp tử vong đều không tiêm vắc xin phòng dại ngay sau khi bị phơi nhiễm dại.

Cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo  của ngành thú y. Ảnh: Hồng Vân
Cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Ảnh: Hồng Vân

Bác sĩ Trần Kim Long, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người thường gặp do chó, mèo cắn, cào. Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, liếm, cào da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Thời kỳ ủ bệnh có thể thay đổi từ 12 ngày đến 1 năm, nhưng thường từ 2 - 3 tháng kể từ ngày bị cắn. Thời kỳ ủ bệnh ngắn hay dài tùy thuộc vào vị trí vết cắn và số lượng vi rút xâm nhập qua vết cắn. Bệnh khởi phát với các triệu chứng ban đầu, như: sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu… Giai đoạn phát bệnh dại xuất hiện với các biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích, như: sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió và sợ nước… Ngoài ra bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn như: giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp và tử vong. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Mặc dù bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu người bị động vật nghi dại cắn, cào được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Thế nhưng điều đáng lo ngại là hiện vẫn còn nhiều người chủ quan hoặc có những suy nghĩ không đúng về căn bệnh này.

Đơn cử như bà Trần Thị V. (50 tuổi, ở phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn cho rằng chỉ đi tiêm ngừa khi chó, mèo cắn gây chảy máu, còn nếu trầy xước không có rớm máu thì không sao và tiêm vắc xin phòng bệnh dại khiến trẻ em bị còi cọc, không lớn nổi. Tương tự, anh Nguyễn Phước V. (45 tuổi, ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) dù đã từng bị chó nhà nuôi cắn nhưng anh V. không đi tiêm ngừa vì cho rằng chó nhà nuôi hoàn toàn khỏe mạnh nên không thể mắc bệnh dại, hơn nữa con chó cắn là chó con nên sẽ không nguy hiểm. 

Theo hướng dẫn giám sát của Bộ Y tế, khi nuôi chó mèo, hành động cho chó, mèo ăn thường xuyên đã được xếp vào dạng phơi nhiễm bệnh độ 1, còn chó, mèo cào liếm được xếp vào nhóm phơi nhiễm độ 2. Như vậy, tất cả những trường hợp vừa nêu đều cần phải được khám bệnh, tư vấn và nên tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại. Hiện nay, vắc xin phòng bệnh dại thế hệ mới hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêm và vắc xin này được chỉ định tiêm cho tất cả mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai đến người lớn tuổi. Do đó, quan niệm của hai trường hợp vừa nêu hoàn toàn sai lầm. Bệnh dại có thể xảy ra ở tất cả các loại chó, mèo nuôi trong nhà chứ không phải chỉ có ở những con vật thả rông ngoài đường. Những trường hợp chủ quan không tiêm phòng dại cũng như theo dõi động vật sau khi cắn có nguy cơ cao sẽ phát dại.

Cũng theo bác sĩ Long, hiện nay công tác phòng chống bệnh dại còn gặp khó khăn khi vẫn còn một bộ phận không nhỏ người nuôi chó chưa tự giác tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo; một số người khi bị chó mèo cắn, cào thì chủ quan không đi tiêm ngừa hoặc tiêm vắc xin ngừa dại không đủ liều nên không phòng được bệnh dại. Bên cạnh đó, kiến thức phòng chống bệnh dại của nhiều người còn hạn chế, xử lý vết cắn ban đầu chưa đúng hoặc chữa trị bệnh dại bằng phương pháp dân gian… Những sai lầm này dẫn đến các ca tử vong do bệnh dại gần đây.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Khi bị chó, mèo, động vật hoang dã cắn, cào, liếm… cần rửa vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong vòng 15 phút; nếu không có xà phòng phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn iod, không được đắp hoặc bôi bất cứ thứ gì khác lên vết thương vì dễ gây nhiễm trùng. Sau đó, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.