Multimedia Đọc Báo in

Dưỡng sinh tâm thể :Tâm sáng, thân khỏe

09:33, 25/07/2016

Mặc dù xuất hiện ở Đắk Lắk khoảng 10 năm nay, thế nhưng phương pháp dưỡng sinh tâm thể đã phát triển và thu hút nhiều người trên địa bàn tỉnh tham gia tập luyện không chỉ ở khu vực thành thị mà cả khu vực nông thôn; đặc biệt là ở cả các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với mục tiêu “Tâm lành, ngôn lành, thân lành”, phương pháp luyện tập dưỡng sinh tâm thể nhằm nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật giúp người tập sống vui, sống khỏe và sống có ích. Cũng từ phong trào luyện tập này, nhiều người dân ở khắp các địa phương trong tỉnh đã thoát khỏi những căn bệnh thường gặp như: đau thần kinh tọa, mất ngủ, rối loạn tiền đình, viêm đa khớp, đau thắt ngực, hen suyễn, bướu cổ… Điển hình là trường hợp của bà Nguyễn Thị Phương Lan (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) mắc các chứng bệnh viêm dạ dày, viêm xoang, đau lưng, bướu cổ… sau nhiều năm chạy chữa khắp nơi, tốn không ít chi phí điều trị nhưng bệnh cũng chỉ thuyên giảm được một thời gian ngắn rồi lại tái phát. Tưởng chừng như không thể thoát khỏi những căn bệnh này, tuy nhiên khi tham gia luyện tập dưỡng sinh tâm thể, chỉ sau 3 tháng bà đã thấy sức khỏe ngày càng được cải thiện, không còn chịu những cơn đau buốt thường xuyên hành hạ. Hay như với bà Quản Thị Hiền (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), là giáo viên nghỉ hưu năm 2011, cũng từ đó sức khỏe của bà ngày càng giảm sút sau khi phát hiện mình bị bệnh cao huyết áp, bướu tuyến giáp, máu nhiễm mỡ, thoái hóa cột sống. Đã nhiều lần đến các bệnh viện trong và ngoài tỉnh để chữa trị nhưng cũng chẳng thuyên giảm bao nhiêu. Đầu năm 2015, khi tình cờ biết đến phương pháp này do được hướng dẫn viên của Hội Dưỡng sinh tâm thể huyện Krông Pắc đến mở sân tập tại địa phương (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), bà Hiền đã tham gia luyện tập. Sau hơn 1 năm đến với dưỡng sinh tâm thể, nhờ thực hiện đúng phương pháp, kỹ thuật và kiên trì tập luyện, sức khỏe của bà đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt huyết áp luôn ở mức ổn định, các chứng bệnh nói trên cũng không còn tái phát. Bà Hiền chia sẻ: “Luyện tập dưỡng sinh tâm thể không chỉ nâng cao sức khỏe cho người tập mà qua đó mỗi người sẽ rèn luyện cho mình cái tâm trong sáng, cởi mở và sống chan hòa trong cộng đồng; đặc biệt là luôn hướng đến cái thiện”. Hiện nay, ngoài điểm tập đầu tiên do hướng dẫn viên của Hội Dưỡng sinh tâm thể huyện Krông Pắc thành lập, trên địa bàn phường Tân Hòa cũng đã phát triển thêm 3 điểm tập khác thu hút đông đảo người dân tham gia.

Một điểm tập dưỡng sinh tâm thể ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.
Một điểm tập dưỡng sinh tâm thể ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Theo bác sĩ Đoàn Anh Tài, Chủ tịch Hội Dưỡng sinh tâm thể tỉnh, khi tham gia tập phương pháp này, mỗi người cần tự biết xác định rõ ràng trạng thái năng lượng của cơ thể mình ra sao (quá nóng hay quá lạnh), trên cơ sở đó lựa chọn động tác tập luyện cho phù hợp nhằm bổ sung phần năng lượng mình thiếu, điều chỉnh phần năng lượng dư thừa để đưa mình về trạng thái cân bằng. Thường thì phần lớn những người tham gia tập hiện nay đều nằm ở độ tuổi trung niên trở lên, sức khỏe yếu hoặc đang mang bệnh. Sau hơn 5 năm thành lập Hội Dưỡng sinh tâm thể (DSTT) tỉnh, qua khảo sát tại các điểm tập cho thấy, sau một thời gian tập luyện, tỷ lệ người mắc các bệnh về hệ thần kinh, hệ vận động, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nội tiết… đã thuyên giảm bệnh từ 70-95%. Hơn thế nữa, từ khi thành lập Hội DSTT tỉnh, ban đầu chỉ có 4 điểm tập (năm 2010), đến nay đã phát triển được 4 Hội cấp huyện, 38 chi hội, 122 điểm tập với hơn 2.450 hội viên tham gia luyện tập. Trong đó, nhiều xã vùng sâu, vùng xa đã tổ chức nhiều điểm tập như xã Cư Kty (huyện Krông Bông), xã Ia R’vê (huyện Ea Súp), hay những điểm tập tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số như buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) với hơn 50 hội viên… 

Có thể nói, việc nhân dân nhiệt tình tập luyện dưỡng sinh tâm thể trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đóng góp một phần không nhỏ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp giảm thiểu gánh nặng chi phí cho người bệnh, điều này hết sức có ý nghĩa với mọi người, đặc biệt là với những bệnh nhân nghèo. Không mang tính tâm linh hay mê tín dị đoan mà phương pháp dưỡng sinh tâm thể đã được chứng minh tính khoa học qua thực tiễn nghiên cứu, khảo nghiệm. Chính từ những cái tâm trong sáng đã tạo nên sự cộng hưởng năng lượng để đẩy lùi bệnh tật, đó cũng chính là phương thuốc huyền diệu mà dưỡng sinh tâm thể mang lại cho người bệnh.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.