Multimedia Đọc Báo in

Từng bước khẳng định vị thế giáo dục mũi nhọn

08:19, 09/06/2021

4 năm liên tiếp dẫn đầu 12 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về học sinh giỏi quốc gia THPT; giành nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi dành cho học sinh toàn quốc; điểm bình quân thi vào các trường đại học, cao đẳng luôn ở tốp đầu các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên…, tỉnh  Đắk Lắk đang từng bước khẳng định vị thế về giáo dục mũi nhọn của khu vực và cả nước.

“Quả ngọt” từ những nỗ lực

Là trường trọng điểm của tỉnh về giáo dục mũi nhọn, năm học 2020 - 2021, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du đoạt 39 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (1 Nhất, 10 Nhì, 9 Ba, 19 Khuyến khích), tăng 4 giải so với năm học trước. Trong đó nổi bật có em Đinh Thị Minh Phương, lớp 12 Văn – Sử xuất sắc đoạt giải Nhất môn Ngữ văn - đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk có thí sinh đoạt giải Nhất bộ môn này.

Em Minh Phương chia sẻ: “Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, trong quá trình ôn luyện em nhận được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện từ nhà trường, gia đình, thầy cô và bạn bè, đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình, không quản ngày đêm của các cô giáo trực tiếp hướng dẫn đội tuyển, nhờ đó em có thể phát huy năng lực của mình một cách cao nhất…”.

Giáo viên cùng đội tuyển học sinh giỏi Văn của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du đang thảo luận  các chuyên đề.
Giáo viên cùng đội tuyển học sinh giỏi Văn của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du đang thảo luận các chuyên đề.

Là một trong những người trực tiếp hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi Văn của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du và gắn bó với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh cho hay: Các em trong đội tuyển học sinh giỏi đều có tư duy sáng tạo cao, có năng lực học tập vượt trội, nỗ lực rèn luyện với quyết tâm lớn. Để hướng dẫn đội tuyển, đòi hỏi giáo viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nhạy bén trong đổi mới phương pháp để truyền đạt, hướng dẫn, gợi mở cho học sinh một cách tốt nhất.

Bên cạnh đầu tư phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, phong trào nghiên cứu khoa học cũng luôn được các nhà trường quan tâm. Điển hình như Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory lần đầu tiên "đem chuông đánh xứ người", Dự án “Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và quản lí học sinh tại trường học” của hai học sinh Nguyễn Vĩnh Đăng Khôi và Hà Lê Trường Thành (lớp 11A1) đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020 - 2021. Thành tích này đã góp phần đưa Đắk Lắk vươn lên dẫn đầu trong khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

Năm học 2020 – 2021, Đắk Lắk đoạt 41 giải (1 giải Nhất, 11 giải Nhì, 10 giải Ba, 19 giải Khuyến khích) tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT; đoạt 126 huy chương (32 Vàng, 48 Bạc, 46 Đồng) tại Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4; có 2 dự án tham gia đạt giải Tư và giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học; 1 giải Nhất Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp...

Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, giáo viên Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory, người trực tiếp hướng dẫn học sinh thực hiện dự án cho biết: Để nghiên cứu khoa học phải qua nhiều bước. Trước hết học sinh phải phát hiện được vấn đề cần nghiên cứu từ thực tiễn đời sống, sau đó tìm được cơ sở khoa học thực hiện đề tài, tiến hành thí nghiệm, phân tích các điều kiện tìm giải pháp tối ưu hóa... Trong quá trình thực hiện dự án, các em cũng như thầy cô hướng dẫn đã được sự quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện từ nhà trường, gia đình; đồng thời cũng rất nỗ lực, mất nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu để gặt hái được thành tích tốt nhất.

“Chiến lược” đào tạo, bồi dưỡng

Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT, để duy trì và nâng cao chất lượng học sinh giỏi qua các cuộc thi cấp khu vực, quốc gia, ngành GD-ĐT tỉnh đã thường xuyên đổi mới công tác phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi; mục tiêu hướng tới nâng cao chất lượng giải, phấn đấu có học sinh tham gia trong các kỳ thi học sinh giỏi khu vực, quốc tế.

Theo đó, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo đổi mới hình thức và nội dung kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi để phát hiện được những học sinh có năng lực vào đội dự tuyển. Ngoài bồi dưỡng tập trung tại trường, 100% đội tuyển và học sinh được cử đi bồi dưỡng theo hình thức giao lưu liên kết với một số trường THPT chuyên trong khu vực và cả nước, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội tuyển, đặc biệt là cơ hội tốt để các thầy cô tham gia ôn luyện cho đội tuyển có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn và nguồn học liệu để nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Thầy và trò Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory thực hiện kiểm nghiệm Dự án “Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và quản lí học sinh tại trường học”.
Thầy và trò Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory thực hiện kiểm nghiệm Dự án “Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và quản lí học sinh tại trường học”.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng học sinh giỏi qua các cuộc thi cấp khu vực và quốc gia, trong thời gian tới ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch chiến lược về giáo dục mũi nhọn theo từng giai đoạn, thời kỳ, năm học, trong đó chú trọng đổi mới công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, thực hiện tốt công tác tạo nguồn học sinh giỏi trong các nhà trường.

Bên cạnh đó, tăng cường bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh công tác liên kết với các trường có truyền thống trong khu vực và cả nước; phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học trong việc hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường.

Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa trong bồi dưỡng học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học; củng cố và nâng cao cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học, nâng cao hơn nữa chất lượng các đội tuyển để kết quả ngày một cao hơn trong thời gian đến.

Lan Anh


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.