Multimedia Đọc Báo in

Chuyện giáo dục con cháu của người M'nông

09:53, 11/07/2020

Đồng bào M'nông rất coi trọng việc giáo dục con cháu trong gia đình và buôn làng; xem đây là trách nhiệm của ông bà, cha mẹ và các vị già làng, chủ làng có uy tín.

Việc giáo dục tuy không có chương trình bài bản quy định rõ ràng nhưng nội dung luôn sát với thực tế, gắn với những sự việc xảy ra hằng ngày để nhắc nhở, uốn nắn con cháu làm đúng, làm việc tốt, tránh những điều xấu có hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

Buổi sáng, buổi tối là lúc diễn ra “lớp học” của thanh niên, trẻ nhỏ. Những người già vừa làm việc vừa kể chuyện cổ tích, sử thi cho lớp trẻ nghe. Mỗi buổi kể một câu chuyện cổ. Thanh niên nào đã được nghe câu chuyện mà người lớn vừa kể thì ra rẫy thử kể lại, sai chỗ nào thì cha mẹ và người lớn nhắc thêm. Buổi tối, người già đọc và dạy con cháu học thuộc những câu vần trong vốn ca dao, tục ngữ, luật tục, sử thi của dân tộc. Ban ngày đi làm rẫy hoặc đi chăn trâu, thả bò, thanh niên đọc thử những câu vần đã nghe hôm trước cho người lớn nghe, quên câu nào thì người lớn nhắc lại và thuộc luôn trong ngày. Thanh niên nào có trí nhớ tốt, mỗi ngày có thể tiếp thu một câu.

            Phụ nữ M'nông thường có nhiều câu chuyện kể  dân gian mang tính giáo dục cho con cháu.  Ảnh: Ngọc Tâm
Phụ nữ M'nông thường có nhiều câu chuyện kể dân gian mang tính giáo dục cho con cháu. Ảnh: Ngọc Tâm

Trước khi cưới vợ, trưởng thành, những thanh niên M’nông có thể thuộc cả nghìn câu vần (nao pring), có đủ vốn liếng để có thể đối đáp, tranh biện khi tham gia xét xử theo luật tục và hát xướng khi vui chơi, tỏ tình với các cô gái. Họ có những câu chuyện về đạo lý, chứng minh sự hay dở, đúng sai của người đời và dựa vào đó phân tích, xử lý mọi chuyện tranh chấp. Những câu nói vần được “trích” ra từ sử thi hoặc ứng tác phù hợp với từng hoàn cảnh. Câu vần của người M'nông nói về việc học để thành người: "Đan gùi có học mới biết/Đan khiau (gùi nhỏ để đeo trên người khi tuốt lúa) có học mới biết/Chào mào ăn quả cũng phải học/Con gái con trai yêu nhau cũng học/Học đan gùi bằng tre lóng dài/Học làm bẫy chuột bằng ống krêng (loại cây tre lóng ngắn)/Học tát nước bằng vỏ măng khô/Học cưới vợ bằng chiếc váy hoa/Học kết bạn bằng chân con trâu/Có học mới hiểu sông núi/Học mới biết gia phả bà con/Chiêng năng sửa tiếng kêu mới đều".

Mỗi năm một lần vào dịp kết thúc tuốt lúa mùa, các gia đình đều tổ chức lễ cúng lúa. Gia đình nghèo thì cúng gà, gia đình khá thì cúng heo, chủ yếu là để bồi dưỡng cho các thành viên trong nhà sau vụ mùa làm lụng vất vả. Cúng thần lúa xong, chủ nhà cho tụ họp con cháu trong gia đình ngồi vòng tròn quanh cái nia đặt nguyên con gà, con heo đã nướng và hũ rượu cốt (loại rượu cần ngon nhất được ủ lâu ngày). Chủ nhà múc rượu mời từng người trong gia đình, mỗi người uống một chén do chủ nhà rót. Sau khi con cháu uống đủ một vòng rượu cốt, chủ nhà báo cho họ nghe kết quả làm ăn trong năm qua, chỉ ra những sai trái, thiếu sót để rút kinh nghiệm.

Đặc biệt, những vị chủ làng luôn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục con cháu. Mỗi lần có lễ lạt, khi có sự vụ tranh chấp, chủ làng thường mời chủ hộ và con cháu trong làng đến tham dự, cùng nhau bàn bạc, phân tích phải trái, tìm hướng giải quyết khi có sự việc xảy ra. Các vị già làng còn kể cho con cháu nghe câu chuyện cổ tích, câu chuyện sử thi (Ot nrong) và phân tích để thấy cái đúng phải theo, cái sai phải tránh, dặn con cháu không được bắt chước những nhân vật xấu trong câu chuyện, khuyến khích con cháu còn trẻ gắng sửa đổi tính nết để trở thành người tốt, người giỏi.

Một trong những “nội dung” mà người già thường dạy cho con cháu là việc nhận biết gia phả. Biết gia phả mới biết bà con gần xa. Không biết gia phả thì bà con gần cũng thành người xa lạ làm hại nhau lúc nào không hay hoặc con cháu lấy chồng, lấy vợ loạn luân vi phạm đến phong tục. Biết bà con để thường xuyên liên lạc, thăm hỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau. Bên cạnh giáo dục gia phả, người M'nông còn giáo dục luật tục. Mỗi lần có việc tranh chấp, xét xử, hòa giải thì già làng đều mời tất cả con cháu trong làng đến dự để cùng giải quyết. Các già làng đọc những câu luật tục liên quan đến vụ việc cho tất cả dân làng nghe. Lần lượt các già làng phân tích vụ việc bằng câu luật tục cổ truyền sau đó các già làng đại diện cho hai bên bàn bạc đi đến quyết định. Các chủ hộ trong làng phải nắm rõ sự việc, phải biết đọc từng câu luật tục để giáo dục, truyền đạt cho con cháu mình hiểu rõ.

Việc giáo dục con cháu được tiến hành thường xuyên, liên tục, trong lúc làm nương rẫy, trong thời gian rảnh rỗi, trong khi uống rượu cần, mỗi tối trước khi đi ngủ và mỗi sáng trước khi đi làm. Người lớn cũng thường xuyên khen thưởng những đứa con, đứa cháu ngoan làm được nhiều việc tốt, có ích cho gia đình, tộc họ và buôn làng.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.