Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa phong trào "Thắp sáng đường quê" ở xã Buôn Triết

08:13, 14/06/2021

Xã Buôn Triết (huyện Lắk) có 15 thôn, buôn, với 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng để chung tay cùng địa phương thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống sinh hoạt, người dân các thôn trên địa bàn xã đã tự nguyện góp sức thắp sáng nhiều con đường.

Là một trong những thôn đi đầu trong phong trào "Thắp sáng đường quê", hiện thôn Mê Linh 2 đã có 80% đường nội thôn có điện chiếu sáng vào ban đêm.

Để thuận tiện cho việc triển khai và quản lý, người dân đã phân chia làm 4 tổ (với hơn 100 hộ) tương ứng với 4 đoạn đường trong thôn. Các tổ chủ động lên kế hoạch, đưa ra mức đóng góp, mua vật liệu, tự tay lắp đặt đường điện. Mỗi tổ sẽ có một tổ trưởng phụ trách thu chi và phân công 2 – 3 người có kinh nghiệm để sửa chữa đường điện khi bị hư hỏng, cháy bóng điện…

Chỉ trong thời gian ngắn, thôn đã lắp đặt được 120 bóng điện trên các đoạn đường, mỗi bóng cách nhau khoảng 20 – 25 m, thống nhất bật điện từ 18 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Đến nay, hệ thống đường điện này vẫn được duy trì và quản lý tốt.

Đoạn đường thôn Mê Linh 1 được thắp sáng nhờ sự đóng góp của người dân
Đoạn đường thôn Mê Linh 1 được thắp sáng nhờ sự đóng góp của người dân.

Anh Nguyễn Tế Anh, người dân thôn Mê Linh 2 chia sẻ, trên đoạn đường anh sinh sống có gần 30 hộ, để triển khai xây dựng đường điện, các hộ đã phối hợp thành một tổ. Ban đầu mỗi hộ đóng 600.000 đồng mua thiết bị lắp đặt và hằng năm đóng 200.000 đồng/hộ tạo nguồn quỹ để tu sửa và chi trả tiền điện. Cuối năm cả tổ sẽ tổng kết và cùng nhau bảo dưỡng, thay thế một số đường dây, bóng điện xuống cấp. Hai năm nay, người dân càng phấn khởi hơn khi được Nhà nước hỗ trợ nhựa hóa, bê tông hóa các đoạn đường trong thôn. Cùng với việc có hệ thống điện thắp sáng, không chỉ thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán, vận chuyển và phơi nông sản qua đêm mà còn giảm thiểu được tình trạng trộm cắp chó, tài sản tại thôn.

Nhận thấy hiệu quả từ phong trào "Thắp sáng đường quê" tại thôn Mê Linh 2, năm 2017 người dân thôn Đoàn Kết 2 cũng đã bắt tay vào thực hiện phong trào này. Ông Mai Danh Thuấn, Trưởng thôn Đoàn Kết 2 cho hay, xuất phát từ nhu cầu thực tế, người dân trong thôn đã tự thành lập các tổ và đóng góp từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/hộ để đầu tư thiết bị lắp đặt ban đầu, hằng năm đóng thêm 200.000 – 300.000 đồng/hộ để sửa chữa và trả tiền điện. Hiện thôn đã có 5 tổ (mỗi tổ từ 20 – 30 hộ dân) triển khai xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, với tổng chiều dài khoảng 2 km. Đặc biệt là một số tổ còn hỗ trợ nhau bằng cách đóng góp số tiền 500.000 đồng – 1 triệu đồng/hộ xây dựng quỹ cho các thành viên trong tổ vay với lãi suất thấp, tiền lãi này sẽ dành cho việc tu sửa đường điện.

Đoạn đường thôn Đoàn Kết 2 được người dân đóng góp kinh phí để kéo điện chiếu sáng
Đoạn đường thôn Đoàn Kết 2 được người dân đóng góp kinh phí để kéo điện chiếu sáng.

Theo ông Đinh Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, ban đầu phong trào "Thắp sáng đường quê" chỉ được triển khai ở một số đoạn đường trong thôn, nhưng đến nay, phong trào này đã lan tỏa ở hầu hết các thôn, buôn.

Những con đường rực rỡ ánh đèn về đêm không chỉ giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc và văn minh, mà quan trọng hơn là thông qua phong trào này đã góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, gắn kết giữa các thôn, buôn.

Ngoài việc tự đầu tư xây dựng điện đường, 7 thôn, buôn trên địa bàn xã Buôn Triết, xã còn được xây dựng hệ thống chiếu sáng bằng bóng điện năng lượng mặt trời do Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, dự án đã xây dựng ở mỗi thôn, buôn 25 bóng năng lượng mặt trời, với kinh phí 40 triệu đồng/thôn/buôn, giúp người dân thuận lợi cho việc đi lại, giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Phương Thảo

 


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.