Multimedia Đọc Báo in

Những chuyến đi mang nặng nỗi niềm

09:56, 21/06/2019
Nhiều người thường nghĩ rằng, làm nghề làm báo sẽ được đi nhiều nơi, gặp được nhiều người, biết được nhiều điều... Tuy nhiên, có lẽ chỉ những người làm nghề mới hiểu, không phải chuyến đi nào cũng có niềm vui, mà có không ít chuyến đi mang nặng nỗi niềm, trăn trở.
 
Với những người làm báo, mỗi tác phẩm, mỗi trang viết đều mang hơi thở, là bức tranh đầy sắc màu của muôn mặt đời sống. Có những tác phẩm sau khi được thông tin trên các phương tiện truyền thông đã lan tỏa những điều tử tế hay mang lại niềm vui, hạnh phúc, hoặc sự thay đổi tích cực trong đời sống người dân nhờ những nguồn đầu tư, sự quan tâm hỗ trợ, giải quyết của các cấp, ban, ngành. Thế nhưng, cũng có không ít những bài viết lặng lẽ rơi vào quên lãng bởi sự vô tâm, thiếu trách nhiệm hay thiếu kiên quyết của một số người, tổ chức, cơ quan chức năng.
Phóng viên Báo Đắk Lắk (bên trái) trao đổi thông tin với cán bộ cơ sở trong một lần tác nghiệp  ở huyện Ea Kar.
Phóng viên Báo Đắk Lắk (bên trái) trao đổi thông tin với cán bộ cơ sở trong một lần tác nghiệp ở huyện Ea Kar.
 
Có lần, theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến một địa phương tìm hiểu và viết bài về vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, chăn nuôi của một hộ dân gây ra. Khi gặp nhà báo, bao nhiêu sự bức xúc, bực tức của người dân được giãi bày, gửi gắm với mong muốn có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề, bởi lâu nay, dù đã nhiều lần góp ý nhưng chủ cơ sở vẫn không khắc phục tình trạng trên. Mang theo nỗi niềm, mong muốn của người dân vào bài viết và đưa lên mặt báo, chúng tôi rất kỳ vọng vào sự hợp tác của cơ quan chức năng. Song vấn đề trên vẫn không được xử lý một cách triệt để mà chỉ là câu trả lời chung chung là "đã kiểm tra và có văn bản buộc chủ hộ khắc phục"… Trong khi đó, các hộ dân lại liên tục gọi điện, mong chờ kết quả khi có sự vào cuộc của cơ quan báo chí.
Và đó đã dường như trở thành quy luật của nghề báo:  mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, không chỉ có những kỷ niệm vui mà vẫn còn đọng lại những nỗi niềm trăn trở.

Lần khác, theo đơn thư bạn đọc phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi tập trung rác thải của địa phương, chúng tôi tìm đến khu vực chôn lấp rác thải trong tình cảnh mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, túi ni lông bị gió thổi bay tung tóe khắp nơi, ruồi nhặng bay dày đặc cả một vùng mà xung quanh khu vực có không ít hộ dân sinh sống. Mang theo hình ảnh chân thực, chúng tôi tìm đến cơ quan chức năng nhưng lại nhận được câu trả lời là không có nguồn kinh phí để di dời hay xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm ở bãi rác này! Chuyến đi đó đã khiến chúng tôi băn khoăn, dằn vặt vì bài viết không thể giải tỏa được mong ước, bức xúc của người dân.

Phóng viên Báo Đắk Lắk (bên trái) tìm hiểu thông tin viết bài về mô hình nuôi nai ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).
Phóng viên Báo Đắk Lắk (bên trái) tìm hiểu thông tin viết bài về mô hình nuôi nai ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).
Bao nhiêu niềm mong ước, sự hy vọng và chờ đợi của người dân không thực hiện được khiến những người làm báo chúng tôi không khỏi mang nặng nỗi niềm. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, đó là sự thỏa mãn niềm đam mê đi và viết để rồi gặp được những người bạn, có thêm vốn kiến thức, thêm những mối quan hệ thân thiết, bền chặt…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.