Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giảm nghèo bền vững

09:28, 14/07/2015

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể huyện M’Đrắk đã tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ hộ nghèo vươn lên, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Hỗ trợ “cần câu”

Gia đình chị Nguyễn Thị Thơm là hộ nghèo của thôn 18 (xã Cư M’ta). Hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định, mọi chi phí sinh hoạt, trang trải cuộc sống, nuôi 4 con ăn học chỉ trông chờ vào 1 sào ruộng và việc làm thuê nên cái nghèo cứ mãi đeo bám. Năm 2013, gia đình chị được hỗ trợ 1 con bò giống từ mô hình giảm nghèo do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai; đồng thời được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm bò phát triển chăn nuôi, đến nay bò đã sinh sản thêm 1 con bê. Năm 2014, gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Chị Thơm cho biết: “Gia đình tôi là 1 trong số 50 hộ nghèo của xã được hỗ trợ bò phát triển sản xuất từ mô hình giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, mọi người trong nhà đã có thêm việc làm, cố gắng chăm sóc tốt để đàn bò ngày càng phát triển. Nếu không có những sự hỗ trợ này không biết đến bao giờ chúng tôi mới thoát khỏi hộ nghèo”. Không chỉ được hưởng lợi từ các chương trình, dự án giảm nghèo, các hộ nghèo trên địa bàn huyện M’Đrắk còn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía. Năm 2013, có 20 hộ nghèo của xã Cư M’ta và Ea Trang được hỗ trợ 20 con bò giống từ Chương trình Lục lạc vàng của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Lợi ở thôn 18 (xã Cư M’ta), được hỗ trợ 1 con bò giống được chăm sóc tốt nên sinh sản thêm 1 bê con. Không giấu được niềm vui, chỉ vào hai mẹ con bò giống của mình, chị tâm sự: “Gia đình tôi không có ruộng, rẫy gì. Hằng ngày, tôi đi làm thuê lấy tiền nuôi con ăn học, dẫu biết vùng đất này chỉ thích hợp để phát triển chăn nuôi nhưng cũng đành chịu vì không có vốn. Số bò này là chiếc “cần câu” để gia đình tôi có thể  vươn lên thoát nghèo”.

Nông dân xã Ea Pil thu hoạch mía. Ảnh: N.H
Nông dân xã Ea Pil thu hoạch mía. Ảnh: N.H

Gia đình chị Thơm, chị Lợi chỉ là hai trong số hàng nghìn lượt hộ nghèo của huyện M’Đrắk đã được hỗ trợ, giúp đỡ từ các chương trình, chính sách giảm nghèo. Tính đến hết tháng 8-2014, gần 4.200 lượt hộ nghèo của huyện đã được vay trên 72,2 tỷ đồng phát triển sản xuất; 1.462 hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cho vay 28,3 tỷ đồng chăm lo cho con cái ăn học. Để sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, các ngành chức năng đã tổ chức hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng các mô hình trình diễn… Bên cạnh đó, hộ nghèo còn được cấp đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý…

Điều đáng nói, để góp phần xã hội hóa công tác giảm nghèo, các hội, đoàn thể cũng triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực: “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo”… Đồng thời, vận động hội viên đóng góp quỹ hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm thiết thực đó đã tạo động lực giúp hộ nghèo vươn lên.

Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững

Ông Đào Thành Vinh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Với việc lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo và linh động trong triển khai thực hiện đã tạo mọi điều kiện giúp hộ nghèo vươn lên. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 33,29% năm 2011 xuống còn 17,12% cuối năm 2014, bình quân mỗi năm giảm 3,85%, vượt 0,85% so với chỉ tiêu. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 11,59% xuống còn 10,38%. Đời sống của người dân dần ổn định và cải thiện hơn trước”.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện đã xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, kế hoạch giảm nghèo hàng năm, trong đó đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và các giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và lao động - việc làm huyện, Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho thành viên các ban, tăng cường chỉ đạo, giám sát, đánh giá tình hình định kỳ 6 tháng, năm; thường xuyên tổ chức các buổi tham vấn, đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng… Đồng thời, huyện đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, triển khai quá trình rà soát, xác định hộ nghèo cho cán bộ cơ sở; khảo sát nắm bắt nguyên nhân đói nghèo để có biện pháp giúp đỡ thiết thực, hiệu quả. Nhờ vậy, các chương trình, chính sách giảm nghèo được phối hợp triển khai đồng bộ giữa các địa phương, ngành, đoàn thể mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của hộ nghèo.

Trao đổi về công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, ông Hòa Quang Khiêm, Phó Bí thư Huyện ủy đánh giá: “Tuy công tác giảm nghèo của huyện M’Drak đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3-3,5%. Để đạt được mục tiêu này, huyện sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, tranh thủ tối đa các nguồn lực nhằm xã hội hóa công tác giảm nghèo. Nhưng giải pháp quan trọng hơn cả là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để mỗi người dân tự phát huy nội lực trong công tác giảm nghèo”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.