Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả thiết thực từ mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm hưu trí quần chúng” ở thôn Chư H’lâm

09:47, 02/11/2011

Mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm hưu trí quần chúng” giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ở thôn Chư H’lâm, thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar) được thành lập cách đây không lâu nhưng đã góp phần giúp đỡ, tương trợ cho nhiều hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vươn lên ổn định cuộc sống.

Mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm hưu trí quần chúng” được thành lập vào năm 2010, mới đầu chỉ có 16 thành viên tham gia, các thành viên chủ yếu là cán bộ phụ nữ hưu trí trong thôn. Hằng tháng, cứ đến ngày mùng 6, các thành viên sẽ trích ra từ tiền lương hưu của mình 100 nghìn đồng để gây quỹ tạo nguồn vốn giúp các thành viên vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất thấp. Sau một thời gian đi vào hoạt động, thấy được hiệu quả của mô hình đem lại, nhiều hội viên trong thôn đã nhiệt tình đăng ký tham gia, đến nay số thành viên của tổ đã có hơn 20 người, trong đó nhiều thành viên không phải là cán bộ hưu trí, đặc biệt có 2 thành viên là nam giới. Hiện nay, trung bình mỗi tháng tổ “phụ nữ tiết kiệm hưu trí quần chúng” của thôn tiết kiệm được 2,1 triệu đồng, đến nay số vốn đã lên đến gần 30 triệu đồng. Sau khi họp tổ, bình xét, số tiền này được chia làm 5 phần ưu tiên cho những 5 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình,… Đa phần nguồn vốn được vay, các thành viên đều sử dụng vào việc đầu tư cho cây cà phê, chăn nuôi heo,…. Từ hoạt động thiết thực này, các thành viên đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống,… Chị Nguyễn Thị Sơn, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Chư H’lâm nói: “Tôi là người đã thành lập mô hình này, mới đầu chỉ nghĩ sẽ tập hợp các cán bộ hưu trí trong thôn lại để gây quỹ, tạo nguồn vốn giúp đỡ nhau phát triển sản xuất nhưng khi đi vào hoạt động mô hình này đã thu hút được cả những hội viên không phải là cán bộ hưu trí, lẫn nam giới tham gia. Chính vì vậy, số tiền tiết kiệm và số người được giúp đỡ ngày càng nhiều,...”

Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Thủy là một trong những hộ đã vươn lên ổn định cuộc sống từ mô hình này. Gia đình chị Thủy có 5 nhân khẩu nhưng cuộc sống chủ yếu dựa vào 1 ha cà phê và thêm thắt bằng những đồng tiền đi làm thuê, làm mướn của người chồng nên cuộc sống thường xuyên rơi vào cảnh “thiếu trước hụt sau”. Trước đây, mỗi khi gặp khó khăn, chị cũng phải đi vay ở bên ngoài với lãi suất cao, vừa làm vừa lo trả tiền lãi nên thu nhập của gia đình chị cũng không mấy dư giả. Tham gia “Tổ phụ nữ tiết kiệm hưu trí quần chúng”, chị Thủy đã được xét cho vay gần 5 triệu đồng. Từ số tiền này, chị đã thêm vào đầu tư chăm sóc cho cây cà phê và cho các con ăn học,… Chị Thủy cho biết: “Nhờ có tổ phụ nữ tiết kiệm hưu trí quần chúng, chị em chúng tôi đã được vay vốn làm ăn mà không sợ rơi vào cảnh vay nặng lãi như trước, đến nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn, con cái có điều kiện học hành,..”

Chị Bùi Thị Oanh, Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Ea Pôk nhận xét: Mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm hưu trí quần chúng” ở thôn Chư H’lâm đã thật sự mang lại những hiệu quả thiết thực, không chỉ tạo điều kiện cho chị em có thêm điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống gia đình mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ và ý thức vượt khó, vươn lên trong chị em. Mô hình này, sẽ được phát huy và nhân rộng trong thời gian tới, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.

Trung Dũng

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.