Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ xung kích vì cộng đồng, sẵn sàng xông pha trên mọi “mặt trận”

16:10, 29/07/2011
Với những việc làm thiết thực, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh năm 2011 với chủ đề “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội” đã mang sức trẻ về với buôn làng. Dù chỉ trong thời gian ngắn, nhưng những chiến sĩ áo xanh đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng mỗi người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa nơi họ đặt chân đến và gắn bó.
a
Các chiến sĩ tình nguyện Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng kè bê tông lối vào Trường Tiểu học Hoàng Diệu xã Cư Né (Krông Buk).
Tại buôn Đhiă, xã Cư Né, huyện Krông Buk, với nửa tháng ra quân tình nguyện, 87 sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã để lại nhiều dấu ấn với những việc làm ý nghĩa. Đội được chia làm các tổ: dân vận, cơ động, hậu cần, mỗi thành viên trong đội cứ thế làm việc theo nhiệm vụ đã được phân công. Có mặt ở Trường Tiểu học Hoàng Diệu, nơi cả đội “tập kết”, chúng tôi mới cảm nhận được không khí khẩn trương, hăng say làm việc của các chiến sĩ áo xanh. 2 lớp học, mỗi lớp khoảng hơn 40 em ngồi ngay ngắn, chăm chú nghe giảng bài, tiếng ê… a… tập đánh vần của đám trẻ trong những lớp học tình nguyện làm âm vang một khoảng không trong những ngày hè. Sinh viên Trần Thị Lệ, không giấu được niềm vui: “Mùa hè thứ 2 em đi tình nguyện nhưng đây là lần đầu tiên em đến một buôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Dak Lak. Sau một ngày, thu xếp ổn định chỗ ăn, ở, phân công nhiệm vụ của từng tổ, nhóm, chúng em bắt tay ngay vào công việc. Em thuộc tổ dân vận với nhiệm vụ chính là dạy học cho các em của buôn. Từ việc vận động các em nhỏ đến trường ngày hè, đến việc lên chương trình dạy và học đều được tổ chuẩn bị chu đáo. Chính vì vậy, công việc của nhóm được triển khai nhanh chóng. Các em nhỏ rất háo hức đến với lớp học, đó chính là món quà tuyệt vời nhất cho cả nhóm. Hơn nữa, qua tiếp xúc, gần gũi với các em cũng như người dân nơi đây đã giúp em hiểu thêm về những nét đặc sắc của đời sống văn hóa các dân tộc bản địa. Với tuổi trẻ như chúng em, đây là hành trình ý nghĩa cho những trải nghiệm về cuộc sống.” Còn với thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Cả, Phó Bí thư Đoàn trường, trong 4 mùa hè tình nguyện, đây là mùa hè thứ 2 gắn bó với những người dân vùng sâu vùng xa của huyện Krông Buk, và lần nào cũng để lại trong người thầy giáo trẻ này những kỷ niệm và tình cảm gắn bó tốt đẹp với người dân. Anh chia sẻ: Trước khi đi Chiến dịch, đoàn đã có một đợt khảo sát, xem ở địa bàn có những khó khăn, trở ngại gì về giao thông, thủy lợi mà sinh viên có thể giúp người dân cải thiện, khắc phục. Khối lượng công việc khá nhiều: tu sửa cầu gỗ; cải tạo san lấp mặt bằng, đào mương thoát nước hai bên cho 500 m đường cấp phối nội buôn đã bị hư hỏng; sửa lại cổng trường,  dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa bàn ghế hỏng, quét lại vôi cho Trường Tiểu học Hoàng Diệu nơi cả đoàn “trú quân”; làm sân bóng chuyền trước Nhà văn hóa cộng đồng buôn Đ’rao… Bên cạnh đó, đoàn còn tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với thanh niên trong buôn. Thông qua các buổi giao lưu này đoàn kết hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, kế hoạch hóa gia đình…
d
Đội quân tình nguyện Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak và Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Dak Lak giúp bà con ở xã Ea H’leo dọn rẫy.
Hoàng Văn Phong, sinh viên năm thứ 3, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải 2, cùng với hơn 20 sinh viên trong trường vượt gần cả nghìn cây số từ thành phố Đà Nẵng để lên với đồng bào buôn Yang Kang, xã Yang Kang, huyện Krông Bông trong Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm nay. Đây là lần đầu tiên Phong lên với vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên, dấu ấn của bạn là cuộc sống của người dân nơi đây còn quá khó khăn. “Đây là lần thứ 3 mình đi tình nguyện. Hai lần đầu mình tình nguyện tại Đà Nẵng, lần này thì mình đi tình nguyện ở Dak Lak. Điểm khác nhau ở chỗ Đà Nẵng là thành phố trung tâm loại 1 cho nên mặc dù đời sống có khó khăn nhưng vẫn đỡ hơn bà con trên miền núi Tây Nguyên. Trước hoàn cảnh vất vả mà đồng bào nơi đây đang phải đối mặt, chúng tôi tự nhủ phải quyết tâm hơn nữa, tận dụng thời gian ít ỏi của Chiến dịch để giúp đỡ họ”,  Phong chia sẻ.
 
Giống như Phong, Phạm Văn Dương, sinh viên ngành Cử nhân Lý luận chính trị K08, Trường Đại học Tây Nguyên cũng đã 3 lần đi tình nguyện Mùa hè xanh. Với mong muốn góp sức trẻ của mình chia sẻ những khó khăn ấy với người dân vùng sâu, vùng xa, mùa hè nào Dương cũng quyết tâm đi tình nguyện. “Trong những lần về với buôn làng chúng tôi có nhiều trải nghiệm về cuộc sống của bà con ở nơi đây. Qua mỗi lần tham gia chiến dịch tình nguyện thì ấn tượng để lại nhiều nhất đó là những nụ cười của các em nhỏ khi các em được chúng tôi dạy dỗ. Chúng tôi cảm thấy được niềm vui của các em, thỏa nguyện khi các em nở nụ cười. Và thật là ấn tượng khi mà chúng tôi cảm thấy người dân tin tưởng vào chúng tôi, khi đi thì dân nhớ, khi ở thì dân thương. Được bà con ở nơi đây đùm bọc, dẫu chỉ là chia sẻ những quả bí, quả mướp với chiến sĩ tình nguyện, nhưng chúng tôi cảm thấy tình cảm rất ấm cúng”, Dương nói. Còn Võ Thị Quỳnh, sinh viên năm thứ 3 ngành Quản trị thương mại, Trường Đại học Tây Nguyên tâm sự, năm nay là năm thứ hai Quỳnh tham gia Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh nhưng cảm giác mới lạ khi được tiếp xúc với nhà sàn và đồng bào dân tộc tại chỗ luôn dâng trào. Theo Quỳnh, để trở thành một công dân tốt, một thanh niên có thể cống hiến sức trẻ của mình cho xã hội thì trước tiên mình phải rèn luyện ý chí và tinh thần. Và tham gia Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh cũng là một cách để tu dưỡng mình.
 
Tham gia Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, về với vùng sâu vùng xa đối với nhiều bạn trẻ đó là sự mới mẻ, trong đó có cả những khó khăn, gian khổ. Nhất là với những bạn trẻ ở thành phố, ít phải lao động chân tay thì những khó khăn, vất vả ấy còn tăng lên rất nhiều. Thế nhưng, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tất cả các bạn đều đã nỗ lực vượt lên tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Võ Thị Dung, sinh viên khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Tây Nguyên tâm sự, đây là lần đầu tiên mang trong mình nhiệm vụ là 1 chiến sĩ sinh viên tình nguyện nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Có những lúc cảm thấy rất nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhưng được sống trong môi trường tập thể, đặc biệt có sự động viên, gần gũi của người dân ở buôn làng, những em thơ nên lại cảm thấy có thêm động lực để tiếp tục chiến dịch và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dung khẳng định, những năm sau này khi có cơ hội sẽ vẫn tiếp tục với những chiến dịch tình nguyện để giúp đỡ buôn làng, giúp đỡ người dân và những đứa trẻ.
 
Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh khép lại, thế nhưng những ngày gắn bó với các buôn làng xa xôi sẽ thành những kỷ niệm còn đọng mãi. Và những việc làm tình nguyện của tuổi trẻ cũng sẽ trở thành những dấu ấn đẹp được lưu giữ mãi ở các buôn làng.
Yên Ninh - Giang Nam




Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.