Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo phân bón giả, kém chất lượng

15:12, 25/07/2017

Mỗi năm, trên địa bàn Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã xử lý và tịch thu hàng chục tấn phân bón vi phạm, chủ yếu là hàng hóa quá hạn sử dụng, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm niêm yết giá, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, để phân bón tiếp xúc với nền đất tại địa điểm kinh doanh...

Mới đây nhất, ngày 10-7, Chi Cục QLTT tỉnh đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn kho hàng chứa 176 tấn phân bón đã hết hạn sử dụng và chuẩn bị tiêu thụ ra thị trường. Cụ thể, qua kiểm tra đột xuất kho hàng của đại lý phân bón do ông Trần Văn Thiện (xã Hoà Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) làm chủ, Đội QLTT số 1 (thuộc Chi cục QLTT) đã phát hiện trên 7.000 bao phân (loại 25 kg) hiệu NPK 8-2-8 + TE được sản xuất tại Nhà máy phân bón Thiên Nông (tỉnh Thanh Hóa) đã hết hạn sử dụng hơn 2 năm. Trên bao bì của loại phân bón này có ghi ngày sản xuất tháng 11-2013, thời hạn sử dụng 2 năm, nhưng đến thời điểm (10-7-2017) vẫn được chứa trong kho và đang chuẩn bị tiêu thụ ra thị trường. Đáng nói hơn, khi lấy kết quả đi kiểm định chất lượng, cơ quan chức năng còn phát hiện toàn bộ số phân bón này không có đủ hàm lượng dinh dưỡng như đã ghi trên bao bì.

Phân bón kém chất lượng được phát hiện, tịch thu tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.
Phân bón kém chất lượng được phát hiện, tịch thu tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.

Một vụ khác, cách đây không lâu, một nông dân ở huyện Ea Kar đã mua phải phân bón nội giả, kém chất lượng về bón cho cây trồng làm chết mấy héc-ta tiêu. Cụ thể, ngày 23-9-2016, anh Nguyễn Văn Thỉnh (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) có ký hợp đồng mua 2 tấn phân bón hiệu Đồng Lộc của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư nông nghiệp và phân bón An Thịnh (tại Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jut, Đắk Nông) và đã bón 1,2 tấn cho gần 800 trụ tiêu. Hơn 10 ngày sau, anh bàng hoàng phát hiện vườn tiêu có hiện tượng rụng trái, lá, tháo lóng hàng loạt và khoảng 30% diện tích bị chết. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, anh  Thỉnh có thông báo và phía Công ty An Thịnh cử người xuống kiểm tra, tiến hành phun một  số loại thuốc để xử lý nhưng không hiệu quả. Sau đó, anh Thỉnh yêu cầu cơ quan chức năng của huyện Ea Kar lấy mẫu để giám định. Kết quả, mẫu phân bón trên không đúng như tiêu chuẩn ghi trên bao bì. Ước tính thiệt hại vườn cây lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng điều làm anh Thỉnh bức xúc hơn là phía Công ty An Thịnh chỉ đề nghị sẽ hỗ trợ anh một phần thiệt hại, vì cho rằng… chưa thể khẳng định tiêu rụng trái, chết là do phân bón của công ty cung cấp(?!)

Phân bón kém chất lượng được phát hiện, tịch thu tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.
Phân bón kém chất lượng được phát hiện, tịch thu tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.

Trên thực tế, nạn phân bón giả, kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường khiến nông dân chịu “thiệt đơn thiệt kép” nếu mua phải. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm ở lĩnh vực này hiện vẫn còn nhiều lúng túng. Tại hội nghị sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2017 được tổ chức hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh cho hay, dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý mạnh tay các cơ sở vi phạm nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển phân bón giả, kém chất lượng vẫn xảy ra trên địa bàn. Trong đó, có nguyên nhân do một số quy định còn chồng chéo khiến công tác kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Như Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp” không quy định thẩm quyền của lực lượng QLTT xử lý vi phạm trong kinh doanh phân bón. Còn nếu chỉ xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 185 ngày 15-11-2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại thì mức chế tài chưa đủ mạnh để có tính răn đe nạn kinh doanh phân bón giả.

Bên cạnh đó, tại Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 8-5-2015 của liên Bộ Tài chính, Công thương, Công an, Quốc phòng về quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu (HHNK) lưu thông trên thị trường qua một thời gian thực hiện đã gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 3 của Thông tư có quy định, đối với HHNK đang trên đường vận chuyển, bày bán, tại kho… thì cơ sở sản xuất, kinh doanh HHNK, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình đầy đủ, hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa ngay tại thời điểm kiểm tra. Tuy nhiên, lại không nói rõ là hóa đơn, chứng từ gốc hay hóa đơn, chứng từ là bản sao hoặc photo. Qua quá trình kiểm tra trên địa bàn, đã có một số trường hợp tổ chức, cá nhân lợi dụng hóa đơn photo để sử dụng nhiều lần, hợp thức hóa cho hàng hóa nhập lậu.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua Chi cục QLTT tỉnh  đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Chi cục cũng đã tiến hành kiểm tra chất lượng thông qua việc lấy mẫu để  giám định, Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, theo ông Chí, về phía người tiêu dùng, tốt nhất nên mua những sản phẩm đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường hoặc ở những đại lý, điểm bán đáng tin cậy.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc