Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng rối loạn Tic ở trẻ

08:18, 30/07/2023

Việc trẻ nhỏ tiếp xúc quá sớm với các thiết bị điện tử như: ti vi, điện thoại thông minh và máy tính bảng… không những ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe mà còn có thể gây ra những rối loạn tâm lý hoặc những rối loạn về hành động không tốt cho trẻ. Một trong những rối loạn thời gian gần đây nhiều trẻ đã mắc phải là rối loạn Tic.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, rối loạn Tic được định nghĩa như những thói quen nhanh chóng và lặp lại của khối cơ, nó là dạng rối loạn vận động hay rối loạn phát âm được diễn ra ngoài tầm kiểm soát của người bệnh, tức không chủ đích, xảy ra bất ngờ, nhanh chóng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, không thể kìm nén được nhưng cũng có thể làm mất đi tạm thời trong thời gian vài phút đến vài giờ.

Trẻ khi mắc hội chứng này, theo mức nặng hay nhẹ có thể có những hành động hoặc lời nói lặp đi lặp lại nhiều lần khác nhau.

Ở dạng nhẹ thì trẻ có thể có những động tác như: lắc đầu, nhấp nháy mắt, chun chun mũi, giật cơ ở cổ, nhún vai và nhăn mặt. Ở dạng phát âm thì trẻ có thể phát ra âm thanh lặp lại, thường xuyên như ho, hắng giọng, khịt mũi, tặc lưỡi…

Nếu mắc bệnh ở thể phức tạp hơn, trẻ sẽ xuất hiện những rối loạn về hành động như tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, dậm chân, xoay tròn… hoặc phát ra những âm thanh phức tạp bao gồm các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, thường cảm thấy căng thẳng và thôi thúc thực hiện cử động, âm thanh đó để giải toả căng thẳng, như la hét, lẩm bẩm…

Việc trẻ nhỏ tiếp xúc quá sớm với các thiết bị điện tử có thể gây ra những hội chứng tâm lý hoặc những hội chứng về hành động không tốt cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên, Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) cho biết, rối loạn Tic không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nên ít người quan tâm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền những clip trẻ mắc rối loạn Tic với nhiều biểu hiện lạ, nhiều phụ huynh nhận thấy con mình cũng có triệu chứng tương tự nên mới đưa đi khám và phát hiện mắc rối loạn Tic. Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk cũng đã có vài trường mắc rối loạn này đến khám và điều trị, đa phần là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

“Rất khó để xác định trẻ mắc rối loạn Tic do nguyên nhân nào nhưng những trường hợp đến khám thường có hai yếu tố là do gen di truyền, bất thường trong não hoặc môi trường sống. Yếu tố môi trường là do căng thẳng, bạo lực gia đình hoặc do ảnh hưởng từ việc xem ti vi, điện thoại, máy tính bảng hoặc chơi game… Việc tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử khiến trẻ bị kích thích, căng thẳng và làm các triệu chứng Tic xuất hiện, gia tăng, kéo dài. Bởi khi trẻ chơi game hoặc sử dụng điện thoại, mắt và thần kinh luôn trong trạng thái tập trung cao độ dẫn đến căng thẳng, không chỉ làm ảnh hưởng sức khỏe của mắt mà là nguyên nhân khởi phát các triệu chứng của rối loạn Tic”, bác sĩ Duyên cho hay.

Rối loạn Tic thường xảy ra với trẻ dưới 18 tuổi. Nó thường trầm trọng với trẻ ở độ tuổi 11-12, sau đó giảm dần khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Nhưng ở nhiều trường hợp nó sẽ theo trẻ đến khi trưởng thành.

Khi bị rối loạn Tic, trẻ vẫn có thể học tập bình thường nhưng nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, tình trạng diễn ra lâu ngày có thể dẫn tới nhiều hệ lụy như: tự kỷ, trầm cảm, lo ngại, rối loạn tăng động giảm chú ý, khó ngủ, mất kiểm soát ngôn ngữ…, nặng hơn có thể rối loạn tâm thần.

Rối loạn Tic nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể chữa khỏi. Trẻ bị nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc bổ hoặc liệu pháp tâm lý. Còn với trẻ bị rối loạn Tic nặng phải dùng thuốc đặc trị, cha mẹ cần phải kiên trì phối hợp với bác sĩ trong điều trị. Phải cho trẻ ngủ đủ 8 giờ/ngày. Tiếp đến là giảm áp lực bên trong của trẻ, giải tỏa lo lắng để trẻ thoải mái vui chơi đúng với lứa tuổi. Đồng thời dừng việc cho trẻ xem ti vi hay dùng điện thoại, chấm dứt với việc tiếp xúc mạng xã hội có nhiều xu hướng ảnh hưởng đến thần kinh. Ngoài ra, các triệu chứng của Tic thường gia tăng khi con gặp lo âu, phấn khích hay mệt mỏi, cha mẹ cần chủ động tổ chức các hoạt động nhẹ nhàng, thu hút sự tập trung chú ý của trẻ ngay trong nhà để góp phần giảm nhẹ tác động của Tic.

Đối với trẻ đang bị nghiện xem ti vi, điện thoại, cha mẹ cần từ từ cắt giảm thời lượng sử dụng cho trẻ. Không nên ép con ngừng chơi một cách đột ngột. Thay vào đó, hãy dành thời gian chơi cùng con như xếp hình, đọc sách, tham gia các hoạt động thể dục hoặc cùng con làm việc nhà.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.