Multimedia Đọc Báo in

“Phao cứu sinh” hỗ trợ vượt khó thời COVID-19

08:14, 06/10/2021

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh phải cắt giảm lao động. Đối với những người lao động bị mất việc làm thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lúc này trở thành “phao cứu sinh”, giúp họ có nguồn tài chính để vượt qua khó khăn.

Thất nghiệp và trở về từ tỉnh Khánh Hòa, anh Nguyễn Vũ Bốn ở thôn 6, xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐ-TBXH) để tìm kiếm cơ hội việc làm mới và thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Anh Bốn cho biết: “Đến Trung tâm, tôi được nhân viên hướng dẫn kỹ để làm các thủ tục và nhanh chóng nhận mức trợ cấp thất nghiệp hơn 2 triệu đồng/tháng. Dù mức trợ cấp không đáng kể nhưng đã phần nào giúp gia đình vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bản thân chưa có việc làm mới. Tôi mong muốn sớm tìm được việc làm gần nhà, gần gia đình…”.

Người lao động làm hồ sơ, thủ tục giải quyết về bảo hiểm thất nghiệp để khắc phục khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.

Tương tự, anh Trương Đức Dũng, ở đường Đào Duy Từ, phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) cũng chịu nhiều ảnh hưởng do dịch COVID-19. Anh Dũng chia sẻ: Trước đây, anh làm công nhân với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Những tác động từ đợt dịch COVID-19 năm 2020 và năm 2021 khiến công ty phá sản, giải thể. Trước khi tìm được việc làm mới, cuộc sống gia đình anh phụ thuộc đáng kể vào số tiền BHTN mà anh nhận được…

 

“Chính sách BHTN thực sự trở thành “điểm tựa” giúp người lao động bị mất việc làm có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Đồng thời, giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động…”.

 
ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh

Không riêng gì trường hợp của anh Nguyễn Vũ Bốn và anh Trương Đức Dũng, mà đa phần người lao động sau khi mất việc đều trông chờ vào chế độ BHTN. Trong thực tế, hiện chính sách BHTN đang phát huy hiệu quả, giá trị to lớn với người lao động trong thời gian gặp khó khăn, mất việc làm vì dịch bệnh COVID-19. Với những khoản hỗ trợ, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đã tạo điều kiện và trở thành “điểm tựa” của người lao động để họ phần nào yên tâm, sớm ổn định cuộc sống.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5.910 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (ở địa phương khác chuyển về gần 3.340 người, chiếm hơn 56,4% tổng số người nộp hồ sơ); có 5.968 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền trên 88,491 tỷ đồng. Riêng trong tháng 9, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 339 trường hợp; trong đó ở địa phương khác chuyển về là 141 người, chiếm 41,6% trên tổng số người nộp hồ sơ.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Trong tháng 9, nhiều địa bàn trong tỉnh bị phong tỏa và giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên người lao động không đến Trung tâm để liên hệ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, một số lượng lớn người lao động ở ngoài tỉnh vì các nguyên nhân khách quan cũng không thể quay về nộp hồ sơ đề nghị hưởng tại Trung tâm. Vì vậy, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 9 đã giảm 135 người so với tháng trước.

Để tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng và nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về BHTN, Trung tâm đã chủ động bố trí nhân viên trực trả lời điện thoại, website, Zalo, Facebook… để hỗ trợ, hướng dẫn.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động làm hồ sơ, thủ tục bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với việc giải quyết chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp, để giúp người lao động ổn định cuộc sống, Trung tâm còn đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, kết nối doanh nghiệp để giúp các lao động sớm tìm được việc làm. Kết quả đã có 5.910 người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm; 166 người hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, với kinh phí hỗ trợ gần 900 triệu đồng…

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho người lao động, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chế độ chính sách mới của Chính phủ để người lao động nhanh chóng nắm bắt và kịp thời được hỗ trợ trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.