Multimedia Đọc Báo in

Những "thân cò" nơi đồng lúa

10:05, 16/10/2021

Khi bông lúa ngoài đồng bắt đầu cúi mình soi nhìn nơi mình bám rễ, rồi ngả sang màu vàng óng cũng là lúc nghề làm thêm của nhiều lao động ở huyện Krông Ana bắt đầu vào mùa.

Thị trấn Buôn Trấp là một trong các địa phương trọng điểm về trồng lúa của huyện. Tại thời điểm này, trên cánh đồng Tháng 10 cứ cách vài thửa ruộng lại có một chiếc máy gặt đập liên hợp chạy vòng quanh đám ruộng gặt lúa để lại phía sau luống rơm thơm nồng.

Hai anh em Y
Hai anh em Y Hiếu và Y Cam Niê đang phụ gặt lúa.

Hai anh em Y Hiếu Niê và Y Cam Niê ở tổ dân phố Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp) đứng trên chiếc máy gặt đập liên hợp, một người thoăn thoắt đôi tay đỡ cho lúa vào bao, còn một người thì may miệng bao lúa lại khi đã đầy. Khi chiếc máy gặt đập liên hợp chạy một vòng đường cắt, ra đến bìa ruộng, họ dùng chân hất những bao lúa căng tròn xuống chỗ lúa đã gặt xong. Cứ như vậy, Y Hiếu, Y Cam lắc lư theo chiếc máy gặt đập liên hợp hết vòng này đến vòng khác trên đám ruộng.

Thật không may, chiếc máy gặt đập liên hợp chỉ mới chạy được vài đường gặt thì bị hỏng hóc. Người điều khiển quyết định đánh chiếc máy gặt đập liên hợp vào chỗ mát để chạy đi tìm thợ đến sửa chữa. Nhờ vậy, anh em Y Hiếu, Y Cam có chút thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi ngay giữa thời điểm lúa chín rộ, nhà nhà cần máy gặt để phòng lũ về.

Dù được nghỉ ngơi nhưng họ chẳng vui vẻ lắm, bởi thu nhập của ngày hôm nay sẽ giảm. Y Hiếu chia sẻ, tiền công phụ gặt lúa tính theo diện tích lúa được gặt. Trung bình mỗi ngày vào khoảng 600.000 - 700.000 đồng/người. Để được chừng ấy tiền công, hai anh em phải phụ gặt 4 - 5 ha lúa, nếu không có sức khỏe tốt khó có thể bám trụ được với công việc này. Song việc làm thời vụ này mang lại thu nhập khá ổn định trong khoảng 2 tháng (mỗi vụ lúa thường kéo dài khoảng 1 tháng) giúp kinh tế của gia đình bớt khó khăn.

Theo sát đường ruộng vừa gặt là 2 - 3 phụ nữ với chiếc bao mang trên lưng lom khom nhặt nhạnh những bông lúa còn sót lại. Thỉnh thoảng họ lại ngước lên dõi nhìn theo chiếc máy gặt đập liên hợp. Cứ như vậy, họ lặn lội hết đám ruộng này đến đám ruộng khác để mót lúa mãi đến khi bóng tối xuống dần.

Chị H'Choong Byă cho biết: Nhà có 2 sào cà phê nên công việc khá nhàn, vì vậy cứ đến mùa gặt là chị lại theo hai chị dâu đi mót lúa. Trung bình mỗi ngày chị mót được 25 - 30 kg lúa.

Hôm nào may mắn, gặp được cánh đồng lúa sót nhiều, càng mót càng ham, song cũng có ngày phải về sớm vì gặp đám ruộng lúa lép nhiều. Nếu mót được lúa thơm thì đem bán với giá 5.000 đồng/kg, còn lúa thường để lại ăn.

Vừa kể chuyện chị H'Choong vừa nhanh chân rảo bước theo những dãy rơm thẳng tắp trên cánh đồng để nhanh tay lượm lặt những bông lúa vương vãi cho vào bao. 

 

“Mỗi vụ thu hoạch lúa đã tạo việc làm cho khoảng 350 - 400 lao động, với các công việc như: phụ gặt đập, bốc, vác lúa, chở lúa, phơi lúa…”. 

Ông Văn Đức Mâu, cán bộ khuyến nông thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana)

Không chỉ gặt lúa thuê, đi mót lúa…, dịch vụ phơi lúa cũng mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều lao động ở địa phương trong mùa gặt. Tại tổ dân phố 3 (thị trấn Buôn Trấp), nhiều tuyến đường nhựa sạch, ít xe lưu thông được các chủ lúa tận dụng làm nơi phơi lúa. Vì vậy, lúc cao điểm có đến cả trăm lao động tập trung phơi lúa thuê dọc cả tuyến đường dài.

Mặc dù đã hơn 11 giờ, dưới cái nắng chói chang, nhóm phơi lúa thuê của chị Đinh Lê Hiền, ở buôn Rung (thị trấn Buôn Trấp) vẫn cần mẫn cào những đống lúa ra phơi. “Những người phơi lúa ở đây đều là lao động tự do, mùa nào việc ấy: làm cỏ, hái cà phê, phụ hồ... Mùa thu hoạch lúa, chúng tôi yên tâm, bởi công việc ổn định, kéo dài khoảng 1 tháng, thu nhập hơn 7 triệu đồng/người”, chị Hiền hồ hởi nói.

 

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.