Multimedia Đọc Báo in

Năm mèo nét riêng của lịch Việt

09:00, 15/01/2023

Không ít người thắc mắc, trong bộ đếm 12 con giáp lịch nông nghiệp phương Đông, vì sao năm Mão lại có sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng các nước có chung ảnh hưởng văn hóa Hán? Phải chăng, đây là nét riêng trong tư duy và ý thức thể hiện của người Việt, cũng là một cách khẳng định vị thế riêng trong cùng một dòng chảy văn hóa chung?

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ảnh hưởng lịch nông nghiệp lúa mùa đã diễn ra rất sâu sắc trong đời sống người dân các nước lân cận Trung Quốc. Lịch sử thể hiện sự can thiệp xâm lấn và cố gắng đồng hóa của người Hán, văn hóa chữ Hán, triết học Trung Quốc… và nhất là những bộ đếm, nông lịch phổ biến tại Trung Quốc đã tác động nhiều vào đời sống xã hội nhiều nước. Trong đó, bộ đếm lịch nông nghiệp được thể hiện rõ ràng nhất. Cho đến nay, về cơ bản, các loại nông lịch của người Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Singapore đều gần giống lịch của người Trung Quốc, chỉ có một chút sai khác ngày giờ do vị trí địa lý và nhất là sau khi đối chiếu với Tây lịch.

Mèo bắt chuột. Tranh của họa sĩ Võ Hoàng Minh (Huế).

Trong hệ đếm thiên can địa chi phổ biến của nông lịch, 12 con giáp, đại diện cho một vòng đếm được quy ước rõ và không thay đổi, gồm Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi. 12 con giáp này, hầu như giống nhau từ linh vật thể hiện cho đến những tính chất được chỉ định, quy ước trong từng mốc thời gian, gồm cả thời gian tính theo năm, lịch theo tháng, theo ngày và cả tính giờ. Mở đầu của các vòng địa chi luôn là con chuột (Tý) và kết thúc là con heo (Hợi), để rồi lại tiếp tục lặp một vòng địa chi khác.

Có điều, với can chi thứ tư, Mão, thì giữa lịch Việt Nam và các nước dùng chung lại có sự khác biệt. Việt Nam là nước duy nhất tự động quy ước can Mão chỉ vào con mèo.

Trong chữ Hán, Mão được vẽ theo hình hai lỗ mộng khớp với nhau, có nghĩa là ăn khớp, dùng chỉ vào thời điểm khởi động. Về sau, chữ này được gắn thêm nghĩa tươi tốt, chỉ vào cây cỏ sinh sôi. Điều này gắn với hệ số đếm thời gian trong ngày theo nông lịch, giờ Mão được tính từ 5 – 7 giờ sáng, là giờ bắt đầu của một ngày mới, mọi công việc khởi động trở lại. Người xưa theo đó có thể quan niệm đây là thời điểm sinh khí đất trời khởi động trở lại, cây cối nảy mầm dưới ánh mặt trời, mọi con vật rời hang đi kiếm ăn, mà nhanh nhạy nhất vẫn là những con vật ăn cỏ. Tại các nước nhiều thảo nguyên như Trung Quốc, Hàn Quốc, con vật phổ biến là thỏ, được coi là dậy sớm nhất để tranh ăn những lá cỏ non. Vì thế, can Mão được quy ước gắn với thỏ.

Nhưng với Việt Nam, một đất nước khí hậu nhiệt đới, phổ biến thảo mộc, không có thảo nguyên, thì con mèo lại thân thuộc hơn thỏ. Trong hệ động vật gần gũi đời sống người dân Việt, chuột, gà, ngựa, mèo là nhóm phổ thông, chứ không liên quan đến hình ảnh con thỏ. Bốn con vật này lại có tính tương khắc với nhau trong cùng một bối cảnh, tạo nên “tứ hành xung” Tý, Ngọ, Mão, Dậu tách rời nhau theo đúng 4 năm. Cho nên, người Việt xưa chọn lấy hình ảnh con mèo để thay thế cho con thỏ, thật sự là một lựa chọn hợp lý với thực tế đời sống, điều kiện tự nhiên của đất nước mình.

Theo một số nhà nghiên cứu, lựa chọn con mèo thay cho thỏ, cũng là một cách tự khẳng định suy nghĩ, quan niệm độc lập của người Việt. Dù dùng chung một quan niệm triết học phương Đông, chấp nhận sự ảnh hưởng nhất định của văn minh Trung Quốc trong lịch sử, nhưng người Việt không bao giờ chấp nhận bị đồng hóa và quy nạp vào văn hóa Hán. Có thể tìm thấy rất nhiều tiểu tiết đối kháng tư duy và quan niệm xã hội giữa văn hóa Việt và văn hóa Hán, như người Hán thờ thần Tài, ông Địa trước cửa, thì người Việt đưa thần Tài, ông Địa vào trong bếp… Riêng với bộ đếm địa chi, người Việt không hoàn toàn chấp nhận sự rập khuôn văn hóa, tự thay đổi một linh vật trong bộ đếm một cách có lý từ thực tế, đến khẳng định sự khu biệt của mình. Hình ảnh con mèo thay thế con thỏ ở can chi Mão, thật sự là điểm nhấn riêng, đối lập lại, biến năm Mão thành một năm có nét riêng của người Việt.

Lạm bàn về chính hình ảnh con mèo này, người Việt có thể nói, đã tạo ra sự đối kháng ngầm về tư duy văn hóa, chống đối lại tư duy Bắc phương đô hộ. Đó là những giai thoại dân gian Việt đều có sự giễu cợt, đả kích những quan niệm truyền thống từ văn hóa Hán. Trong khi người Hán ca tụng, tôn vinh hình ảnh con rồng (Long), con cọp (Hổ), thì người Việt kể chuyện dùng 10 ngón tay vẽ con giun, gọi là con rồng đất; gọi con mèo là “tiểu hổ” và là dì của hổ… Chọn mèo là con vật ăn thịt linh hoạt, uyển chuyển, để thay cho con thỏ ăn cỏ, nhút nhát, phải chăng cũng là cách mà người Việt soán đổi quan niệm cuộc sống, cầu hướng đến những giá trị năng động, sáng tạo hơn?

Chung quy, trong cùng quan niệm văn hóa phương Đông, cùng dùng chung một bộ nông lịch, nhưng người Việt vẫn tìm ra cách định vị riêng cho mình, thể hiện một tư duy khác biệt, thậm chí đối kháng. Năm mèo, vì thế, phần nào có ý nghĩa độc đáo hơn về nét văn hóa Việt Nam.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.