Multimedia Đọc Báo in

Để buôn làng vang tiếng chiêng ngân

07:43, 10/05/2022

Là một trong những di sản của vùng đất Tây Nguyên, cồng chiêng của người M’nông có nhiều nét độc đáo riêng. Để âm thanh ấy tiếp tục ngân vang giữa đại ngàn, người dân xã Đắk Phơi (huyện Lắk) nhiều năm qua đã luôn gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Không ai trong đội chiêng của xã nhớ rõ đội chiêng được thành lập từ khi nào, chỉ biết rằng các thành viên trong đội chiêng là tập hợp những người đánh cồng chiêng giỏi nhất tại các buôn làng của xã Đắk Phơi. Cứ thế, đội chiêng xã Đắk Phơi tồn tại, phát triển cho tới ngày nay, không chỉ giữ gìn mà còn “truyền lửa” đam mê cồng chiêng cho thế hệ sau. Đội chiêng của xã luôn duy trì với 14 thành viên (gồm 1 người chơi trống, 6 người đánh chiêng và 7 người múa). Hiện nay, thành viên ít tuổi nhất của đội chiêng đã 52 tuổi, còn lại đã trên 60 tuổi, nhưng có chung đam mê cháy bỏng với cồng chiêng. Chính vì vậy, đội cồng chiêng của xã Đắk Phơi thường được mời đi biểu diễn khắp nơi trong cả nước.

Bộ cồng chiêng của gia đình ông Y Krai Cil.

Đặc biệt, ngoài đội chiêng của xã, tại 11 buôn trong xã đều có một đội chiêng riêng. Hiện nay, người dân xã Đắk Phơi có trên 15 bộ cồng chiêng M’nông. Do số lượng cồng chiêng ít nên mỗi lần có sự kiện lớn, các buôn đều cho nhau mượn qua lại để sử dụng. Ông Y Krai Cil (SN 1947, buôn Jiê Yuk) được người dân biết đến là một người đánh chiêng giỏi của xã. Từ nhỏ, ông Y Krai đã được bố đưa đi xem và học hỏi các nghệ nhân trong buôn đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội. Ban đầu, ông Y Krai chỉ đứng nghe rồi say mê tiếng cồng chiêng khi nào không hay. Từ đó lễ hội nào ở buôn làng ông Y Krai cũng có mặt. Nhờ sớm được rèn giũa nên ông Y Krai vinh dự được tham gia vào đội cồng chiêng của xã từ khi còn rất trẻ. Ông cho biết, cồng chiêng của người M’nông có âm hưởng nhẹ, trầm hơn cách đánh chiêng của người Êđê, phải quan sát kỹ mới có thể đánh đúng được. Gia đình ông còn có một bộ cồng chiêng, vào mỗi dịp quan trọng của gia đình như cưới hỏi, có khách quý tới nhà hay lễ, Tết, cúng cơm mới, kết nghĩa anh em… ông vẫn thường mang ra đánh. Cũng vì vậy, các con cháu trong gia đình ông Y Krai đều yêu thích và biết đánh cồng chiêng từ rất nhỏ và được ông chỉ dạy cho nhiều bài cồng chiêng cổ, ít người biết đến.

Ông Y Siêng Cil (buôn Jiê Yuk) cũng đang hằng ngày chỉ dạy cho con cháu mình đánh cồng chiêng. Sau nhiều lần cùng đội chiêng xã Đắk Phơi đi biểu diễn tại Thủ đô Hà Nội, thấy các thành viên trong đội chiêng ngày một già đi mà lớp trẻ hiện nay ít mặn mà với cồng chiêng khiến ông rất buồn. Ông Y Siêng quyết tâm truyền dạy cho con cháu nét đẹp văn hóa cồng chiêng mà ông cha để lại. Các con cháu ông từ không biết sang tò mò rồi yêu thích đánh cồng chiêng lúc nào không hay.

Ông Y Siêng Cil trong một buổi luyện tập đánh cồng chiêng.

Để tập hợp những thanh niên đam mê cồng chiêng, năm 2016 xã Đắk Phơi thành lập một đội chiêng trẻ với 27 thanh niên tham gia. Đội chiêng trẻ được các nghệ nhân cồng chiêng trong đội chiêng của xã phân công nhau chỉ dạy tận tình, hiện nay đã có thể biểu diễn được rất nhiều bài chiêng khác nhau.

Dù bận rộn với nhiều lo toan đời thường nhưng mỗi khi nhận được thông báo tập luyện để tham gia một lễ hội hay một sự kiện văn hóa nào đó, các thành viên trong đội chiêng đều có mặt đông đủ để cùng tham gia. Bởi việc giữ nhịp cồng chiêng cho buôn làng luôn được người dân M’nông tại xã Đắk Phơi coi là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân nhằm lan tỏa niềm đam mê, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

“Để cùng người dân xã Đắk Phơi gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa cồng chiêng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng 10 bộ trang phục dân tộc M’nông nữ, trao tặng buôn Pai Ar 1 bộ chiêng và 20 bộ trang phục truyền thống nam. Đến nay, chiêng, trang phục truyền thống vẫn được người dân gìn giữ, sử dụng trong các ngày lễ quan trọng tại địa bàn” - Anh Y Hai Kbin, cán bộ văn hóa xã Đắk Phơi.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.