Multimedia Đọc Báo in

“Hoàng hậu quả khô” chinh phục xứ Phù Tang

07:03, 27/11/2022

Sau gần 20 năm “bén duyên” với vùng đất Đắk Lắk, cây mắc ca mà hạt của nó được mệnh danh là “Hoàng hậu quả khô” đã cho những lô hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Và đây cũng là cơ hội để Đắk Lắk xây dựng, phát triển thương hiệu mắc ca trên thị trường quốc tế.

Chinh phục thị trường khó tính

Với lợi thế về điều kiện khí hậu, tự nhiên phù hợp, huyện Krông Năng là địa phương đầu tiên phát triển cây mắc ca và cũng là huyện đứng đầu toàn tỉnh về diện tích mắc ca với 2.363 ha. Trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng hơn 1.000 ha. Năng suất ước đạt 17,9 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 1.700 tấn. Với lợi thế về chất lượng cao hơn những vùng trồng mắc ca khác, “Hoàng hậu quả khô” ở vùng này được người tiêu dùng rất ưa chuộng và có thị trường tiêu thụ khá lớn, ổn định. Huyện cũng đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm mắc ca với nhãn hiệu tập thể “Mắc ca Krông Năng”, qua đó góp phần nâng cao danh tiếng cho sản phẩm nông sản của địa phương.

Chế biến hạt mắc ca ở Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương (huyện Krông Năng). Ảnh: Thế Hùng

Đi cùng địa phương là nỗ lực của nông dân và các doanh nghiệp trong việc đưa sản phẩm mắc ca đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương (huyện Krông Năng), đã thành công khi đưa hạt mắc ca thành phẩm chinh phục thị trường khó tính nhất - Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương cho biết, đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng suốt thời gian dài đàm phán với đối tác, cũng như cố gắng hoàn thiện sản phẩm hạt mắc ca đủ tiêu chuẩn xuất khẩu theo những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường Nhật Bản. Sau khi lô hàng mẫu đến thị trường Nhật Bản và được người tiêu dùng ở đây đón nhận thì phía đối tác là Công ty OLTY đã ký với Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương đơn hàng đầu tiên, gồm 2.300 thùng, tương đương với hơn 6 tấn hạt mắc ca thành phẩm, có giá trị gần 2 tỷ đồng. Đầu tháng 12 tới, sản phẩm mắc ca mang xuất xứ từ Đắk Lắk - Việt Nam sẽ được bán tại 180 siêu thị lớn trên khắp lãnh thổ Nhật Bản. Việc xuất khẩu chính ngạch thành công sản phẩm mắc ca sang thị trường nổi tiếng khó tính là Nhật Bản sẽ là tiền đề mở ra cơ hội cho nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc nâng cao giá trị sản phẩm mắc ca.

Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương (huyện Krông Năng) ký kết hợp tác xuất khẩu hạt mắc ca với đối tác Nhật Bản. Ảnh: Thế Hùng

Theo đánh giá của ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương, hạt mắc ca Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng, bởi Nhật Bản là một đối tác lớn trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác toàn cầu. Đồng thời, cũng là một trong những thị trường tiêu thụ mắc ca lớn trên thế giới hiện nay. Việc xuất khẩu chính ngạch thành công sản phẩm mắc ca sang một thị trường nổi tiếng khó tính như Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nói chung và các doanh nghiệp huyện Krông Năng nói riêng tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới, đồng thời giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản được mệnh danh là “Hoàng hậu quả khô” này.

Cơ hội phát triển vùng nguyên liệu bền vững

Đến nay, cả nước có 29 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích 18.840 ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; năng suất trung bình đạt 3 tấn hạt tươi/ha, sản lượng ước đạt 8.840 tấn hạt tươi/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca chủ yếu là trong nước và một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc và Trung Quốc. Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, có nhiều chính sách thúc đẩy hỗ trợ phát triển việc trồng, chế biến, thương mại và xuất khẩu mắc ca nhằm đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm mắc ca.

Lô hàng mắc ca đầu tiên của Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản ngày 9/11/2022. 

Tại Đắk Lắk, cây mắc ca được trồng sớm nhất tại huyện Krông Năng (từ năm 2003), với hình thức xen canh trong vườn cà phê. Nhận thấy giá trị và tiềm năng của hạt mắc ca, nông dân ở một số địa phương có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cũng đã tập trung phát triển loại cây này và đã không ngừng chuyển đổi giống cây trồng, tạo lập nhiều vùng cây mắc ca xen canh và chuyên canh hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích mắc ca ở Đắk Lắk là gần 3.000 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 1.200 ha, sản lượng ước đạt 1.650 tấn.

Ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho rằng, để có thêm nhiều lô hàng mắc ca xuất khẩu chính ngạch thì các doanh nghiệp cần chú trọng liên kết xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững, cũng như đầu tư lại quy trình, quy chuẩn thật sự tốt để đáp ứng thị trường thế giới và tiến tới xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định cho hạt mắc ca.

Theo Sở NN-PTNT, hạt mắc ca của Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản là đòn bẩy để Đắk Lắk có định hướng và giải pháp phát triển bền vững mắc ca trong thời gian tới. Trên cơ sở Đề án phát triển bền vững mắc ca, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, Đắk Lắk cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển cây mắc ca, phấn đấu phát triển vùng nguyên liệu mắc ca của tỉnh đến năm 2030 đạt 4.000 ha, tập trung tại 7 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk, Cư M’gar, Ea Kar, Buôn Hồ và Buôn Ma Thuột. Hiện Sở NN-PTNT đang phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật về phát triển cây mắc ca cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích liên kết sản xuất để hình thành vùng trồng thâm canh cây mắc ca tập trung nhằm phát triển mắc ca theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.

Theo Đề án phát triển bền vững mắc ca, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu đến năm 2030 tổng diện tích mắc ca cả nước đạt từ 130.000 - 150.000 ha, tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc khoảng 75.000 - 95.000 ha, vùng Tây Nguyên khoảng 45.000 ha; sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 triệu USD.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.