Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui trên cánh đồng Ea Yiêng Hạ

08:14, 19/04/2022

Gần một tuần nữa mới đến kỳ thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 nhưng trên cánh đồng Ea Yiêng Hạ (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc), niềm vui đã hiện rõ trên từng gương mặt nông dân nhờ hiệu quả chuyển đổi giống và phương thức canh tác.

Trong cái nắng trưa oi ả, A Wân (buôn Kon Hring) vẫn cần mẫn kiểm tra những bông lúa uốn câu đang bắt đầu ngả vàng trên thửa ruộng của gia đình. Trồng lúa nước là nguồn sinh kế chính của gia đình anh, tuy nhiên, do ít ứng dụng khoa học kỹ thuật lại thiếu vốn đầu tư nên năng suất rất thấp, chỉ đạt khoảng 5 tạ lúa tươi/sào.

Ruộng lúa trĩu bông của gia đình anh A Wân (người đứng đầu tiên).

Vụ đông xuân 2021 - 2022, gia đình anh được hỗ trợ chuyển đổi sang canh tác giống lúa ST24 trên 4 sào ruộng tại cánh đồng Ea Yiêng Hạ với mức hỗ trợ 12 kg giống/sào. Anh tích cực tham gia các lớp tập huấn và thực hiện chăm bón, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn. Nhờ đó, hiệu quả canh tác đã thay đổi rõ rệt trong suốt vụ canh tác. Cây lúa cao, khỏe, sinh trưởng đồng đều, không bị sâu bệnh hại. Bông lúa dài, hạt chắc và nặng hơn rất nhiều so với những mùa vụ trước, dự kiến năng suất đạt trên 10 tạ lúa tươi/sào.

Tương tự gia đình A Wân, vụ thu hoạch này cũng là lần đầu tiên anh Nguyễn Văn Thế (buôn Kon H’ring) ước tính năng suất lúa cao vượt trội, gấp đôi so với những mùa vụ trước. Anh Thế có 7 sào ruộng lúa nước tại cánh đồng Ea Yiêng Hạ. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp thâm canh nhưng diện tích lúa của gia đình thường bị sâu bệnh gây hại, năng suất lúa không cao, chỉ khoảng 5 – 6 tạ lúa tươi/sào.

 

Toàn xã Ea Yiêng có 300 ha lúa nước, trong đó có 210 ha lúa nước 2 vụ, tập trung tại 3 cánh đồng lớn là Ea Yiêng Hạ, Đập ủi, Trạm bơm T54.

Đầu vụ đông xuân này, anh đăng ký tham gia cánh đồng lớn và được cấp lúa giống ST24 để gieo trồng trên toàn bộ diện tích. Không chỉ học hỏi kiến thức thông qua các buổi tập huấn, anh Thế còn chủ động tìm hiểu thông tin, theo dõi kỹ đồng ruộng và ghi chép chi tiết nhật ký sản xuất. Anh Thế phấn khởi chia sẻ: “Lần đầu canh tác giống lúa ST24, tôi còn nhiều bỡ ngỡ khi thay đổi một số thói quen canh tác như làm đất kỹ lưỡng hơn, gieo sạ thưa hơn và phải tuân thủ quy trình bón phân theo đúng hướng dẫn về cả thời gian, hàm lượng, thành phần… Nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên của cán bộ huyện, xã mà việc canh tác rất thuận lợi, cây lúa phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại. Dự tính năng suất vụ này đạt hơn 10 tạ lúa tươi/sào, lợi nhuận trên 7 sào lúa ước đạt 30 triệu đồng, gấp đôi so với những vụ canh tác trước”.

Trong vòng 10 năm qua, kể từ khi hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo cho sản xuất 2 vụ trên cánh đồng Ea Yiêng Hạ, đây là vụ lúa vui nhất của bà con khi ai ai cũng đạt năng suất vượt trội nhờ tham gia mô hình cánh đồng lớn. Mô hình có 207 hộ tham gia với tổng diện tích 65 ha, trong đó có đến 161 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Để giúp bà con chuyển đổi cả về giống và phương thức canh tác, huyện Krông Pắc đã hỗ trợ 7.800 kg lúa giống ST24 theo chương trình xây dựng mô hình phát triển sản xuất. Các ngành chức năng cũng tổ chức 2 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình.

Ruộng lúa của gia đình anh Nguyễn Văn Thế dự kiến năng suất và lợi nhuận vụ này sẽ tăng gấp đôi so với những vụ trước.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng Nguyễn Văn Hải cho biết, mô hình cánh đồng lớn được xác định là một trong những mũi nhọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Chính vì vậy, từ khi triển khai thực hiện mô hình, Ban Chỉ đạo sản xuất xã đã thường xuyên bám sát tình hình sản xuất của bà con nông dân, trực tiếp kiểm tra đồng ruộng để kịp thời báo cáo lên các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn xử lý. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa nước tham gia mô hình đều đạt kết quả tốt. Chỉ có một diện tích rất nhỏ phát sinh rầy nâu đã được khoanh vùng, phòng trừ kịp thời nên không gây thiệt hại đáng kể.

Điều đáng mừng nhất là bà con nông dân đã thay đổi nhận thức, thấy rõ lợi ích của việc tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác mới, chịu khó bỏ vốn đầu tư, bám sát nhật ký sản xuất, tránh lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển dần lên cánh đồng mẫu lớn, xây dựng tổ, chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất.

Vụ hè thu sắp tới, xã Ea Yiêng định hướng tăng diện tích mô hình cánh đồng lớn lên 180 ha với 388 hộ tham gia. Bên cạnh việc hỗ trợ lúa giống theo chính sách của huyện, UBND xã sẽ tích cực kết nối với các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp có uy tín trên thị trường, hỗ trợ bà con đầu tư sản xuất, tránh rủi ro mua phải phân, thuốc kém chất lượng cũng như tìm kiếm đối tác thu mua giúp bà con thêm yên tâm về đầu ra. Những nỗ lực này sẽ góp phần thay đổi diện mạo xã vùng 3 còn nhiều khó khăn, mang tới thật nhiều mùa vui, không chỉ trên cánh đồng Ea Yiêng Hạ mà sẽ lan khắp cánh đồng Đập ủi, cánh đồng Trạm bơm T54 ở địa bàn….

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.