Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ kiên cố hóa công trình thủy lợi ở huyện Lắk

08:18, 18/04/2022

Xác định việc kiên cố hóa công trình thủy lợi là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, trong những năm qua, huyện Lắk đã chú trọng đầu tư, cải tạo, giúp việc trồng trọt của bà con thuận lợi hơn.

Nhiều công trình được đầu tư, nâng cấp

Nhiều năm nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Lắk bị xuống cấp, không đảm bảo việc tưới tiêu. Vào mùa khô, nhiều cánh đồng bị bỏ hoang; vào mùa mưa, hệ thống kênh mương không được tu sửa nên không kịp thoát nước dẫn tới tình trạng ngập lụt, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa của bà con.

Được sự hỗ trợ vốn từ ngân sách tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, huyện Lắk đã đầu tư xây dựng 6 công trình thủy lợi, với nguồn vốn đầu tư hơn 63 tỷ đồng. Trong đó 3 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: Thủy lợi đập dâng Bàu Trẹt 1 (xã Đắk Liêng); nâng cấp, kiên cố hóa kênh N2 trạm bơm Buôn Cuôr (xã Yang Tao) và kiên cố hóa kênh trạm bơm Ea R’bin 2 (xã Ea R’bin).

Tuyến kênh chính đập dâng Yang Lah (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) sau khi được nâng cấp, kiên cố hóa.

Hiện còn 3 công trình đang được các nhà thầu huy động máy móc, tập trung nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Cụ thể, công trình kiên cố hóa kênh chính đập dâng Yang Lah (xã Đắk Liêng) – giai đoạn 2, với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng, quy mô gồm các hạng mục: kênh chính tả dài gần 464 m với 6 cống tưới đôi; kênh N1 dài hơn 564 m với 7 cống tưới đơn, 2 tràn qua kênh, 2 cầu qua kênh, 2 cụm chia nước và kênh N3-1 dài khoảng 766 m với 1 cụm chia nước đầu kênh, 9 cống tưới đôi. Công trình nâng cấp, kiên cố hóa kênh cánh đồng Bông Krang (xã Bông Krang) với kinh phí gần 8,6 tỷ đồng, xây dựng tuyến kênh chính dài 1.060 m và kênh N2 gần 416 m. Và công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống công trình thủy lợi đập dâng Buôn Dren B (xã Đắk Liêng) với tổng mức đầu tư 8,8 tỷ đồng với chiều dài gần 3.250 m.

 

“Các công trình thủy lợi đã từng bước hoàn thiện hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần mở rộng diện tích trồng trọt, nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng.”.

ông Nguyễn Võ Vĩnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lắk

Ông Nguyễn Võ Vĩnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lắk cho biết, cùng với nhiệm vụ theo dõi, giám sát công trình, đơn vị đang đôn đốc các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung máy móc, phương tiện, vật tư, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tưới mát cánh đồng khô

Hàng chục năm nay, 50 ha lúa tại xã Đắk Liêng luôn trong tình trạng thiếu nước vào vụ ba. Nguyên nhân chính là do tuyến kênh dẫn nước chưa được kiên cố nên lượng nước bị thất thoát lớn, không đủ cung cấp cho đồng ruộng. Từ ngày công trình kênh chính đập dâng Yang Lah (xã Đắk Liêng) hoàn thiện, kênh mương nội đồng được kiên cố, việc dẫn nước vào ruộng thuận lợi, sản xuất nông nghiệp của bà con ngày một phát triển. Anh Y Pun H’Mốk phấn khởi cho hay, trước kia do chưa có kênh mương nội đồng nên việc sản xuất lúa của gia đình gặp nhiều khó khăn. Bước vào mùa lúa vụ 3, nhiều thửa ruộng bị thiếu nước, người dân phải đi nạo vét kênh để dẫn nước vào ruộng nhưng cũng chẳng ăn thua. Nay có tuyến kênh mới, việc dẫn nước vào ruộng dễ dàng hơn, lúa xanh tốt, phát triển hơn mọi năm vì luôn chủ động được nguồn nước. Vì vậy, dự kiến năm nay năng suất lúa của gia đình anh sẽ tăng 1 - 2 tạ/sào so với năm ngoái.

Công trình thủy lợi nâng cấp kiên cố kênh N2 trạm bơm Buôn Cuôr (xã Yang Tao, huyện Lắk)

Tương tự, từ ngày bàn giao đưa vào sử dụng, công trình nâng cấp, kiên cố hóa kênh N2 trạm bơm Buôn Cuôr (xã Yang Tao) đã giúp đảm bảo bơm và dẫn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp ổn định cho 200 ha lúa nước của người dân xã Yang Tao và Bông Krang. Bà H’Pun Triết (buôn Dơng Bak, xã Yang Tao) vui mừng chia sẻ: “Bước vào vụ 3, thời điểm mùa khô như các năm khác thì đất ở đây bỏ hoang, khô hạn vì kênh mương nhỏ không thể dẫn nước vào tới ruộng. Năm nay có tuyến kênh mới, nước vào tới chân ruộng, bà con ai cũng phấn khởi vì trồng được thêm lúa, đất không bị bỏ hoang. Vậy là sắp tới nhà tôi sẽ có thêm lúa để bán, cuộc sống sẽ được cải thiện”.

Bà H’Loan Uông, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yang Tao cho biết, từ năm 2021 trở về trước, việc sản xuất lúa và trồng hoa màu của bà con găp nhiều khó khăn vì kênh mương nội đồng bị xuống cấp, địa hình phức tạp nên khó khăn nhất là việc dẫn nước vào các thửa ruộng. Vì vậy, đến mùa khô, phần lớn diện tích đất sản xuất bị hoang hóa. Từ ngày có kênh mới, những thửa ruộng hoang hóa được phủ xanh vì bà con trồng được lúa và hoa màu, diện tích đất trồng khoai tăng từ 5 ha lên đến 40 ha, diện tích đất trồng lúa cũng tăng từ 20 - 30 ha. Nhờ vậy, diện tích đất bỏ hoang dần thu hẹp, cánh đồng khô ngày nào giờ đã được phủ xanh.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.