Multimedia Đọc Báo in

Đưa nước sạch về vùng nông thôn

08:57, 28/09/2020

Từ nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai xây dựng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của các hộ dân ở vùng nông thôn.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) được đầu tư xây dựng từ Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả với tổng kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình sẽ cấp nước cho 950 hộ dân thuộc 6 thôn, buôn trên địa bàn xã.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) đang được vận hành thử nghiệm  trước khi đưa vào hoạt động.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) đang được vận hành thử nghiệm trước khi đưa vào hoạt động.

Theo các hộ dân chia sẻ, những năm qua, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của phần lớn của bà con đều từ giếng đào, chỉ có số ít sử dụng giếng khoan. Vào mùa khô, rất nhiều giếng đào của người dân không đủ nước để dùng, nhiều hộ phải đi lấy nước ở sông, suối về sinh hoạt, còn nước uống thì đi mua những bình nước lọc dung tích 20 lít. Chị Nguyễn Thị Hằng (thôn 3) cho hay, bao năm qua, cả gia đình sử dụng nước giếng đào để phục vụ sinh hoạt, dù không yên tâm về chất lượng nguồn nước nhưng không còn lựa chọn nào khác. Khi biết công trình cấp nước của địa phương chuẩn bị đưa vào sử dụng, bà con rất vui bởi mong ước có nguồn nước sạch để sử dụng bấy lâu nay đã trở thành sự thật.

Được biết, xã Tân Tiến hiện có trên 2.500 hộ dân thì đa số đều sử dụng nguồn nước giếng đào, một số thì sử dụng nguồn nước ở các sông suối trên địa bàn. Dẫu biết nhu cầu sử dụng nước sạch của các hộ dân là rất thiết thực nhưng do địa phương không có công trình cấp nước sạch nên bao nhiêu năm nay họ vẫn phải sử dụng nguồn nước đó. Đến năm 2019, khi được Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả đầu tư xây dựng công trình cấp nước, người dân ai cũng phấn khởi. Đến nay, sau hơn 1 năm  xây dựng, công trình đã hoàn thiện và dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 10-2020.

Công trình cấp nước xã Dang Kang (huyện Krông Bông) đang được xây dựng .
Công trình cấp nước xã Dang Kang (huyện Krông Bông) đang được xây dựng .

Tương tự, ở xã Dang Kang (huyện Krông Bông), nhiều năm qua, người dân cũng phải sử dụng nước giếng đào và nước ở các dòng suối. Do đó, khi biết địa phương được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt thì bà con rất vui mừng, phấn khởi. Được biết, công trình có tổng kinh phí là 14,9 tỷ đồng, công suất thiết kế cấp nước cho 1.200 hộ dân, dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ hoàn thành. Sau đó, sẽ được đưa vào vận hành thử nghiệm trước khi cấp nước cho người dân.

Để công trình cấp nước ở các địa phương hoạt động hiệu quả, bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ nhân dân, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã thành lập Ban Quản lý công trình để điều hành, kịp thời xử lý khi gặp sự cố. Theo kế hoạch, trong năm 2020, tại tỉnh Đắk Lắk, Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả sẽ tiếp tục triển khai thi công 2 tiểu dự án cấp nước cho cộng đồng dân cư, hoàn thành hồ sơ chuẩn bị đầu tư và khởi công 4 tiểu dự án; lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư 1 tiểu dự án với số đấu nối dự kiến là 3.130 hộ; thực hiện rà soát kiểm đếm đấu nối bền vững năm 2020 là 1.850 đấu nối; thi công 47 công trình cấp nước và vệ sinh trường học. Tổng kế hoạch vốn được giao năm 2020 trên 106,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương là 90,1 tỷ đồng, vốn do UBND tỉnh vay hơn 8,26 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 112 công trình cấp nước; nâng tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,36%.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.