Multimedia Đọc Báo in

Lớp học ý nghĩa ở buôn Phơng

08:40, 10/05/2015

Như thường lệ cứ vào các buổi tối cuối tuần, nhiều chị em phụ nữ dân tộc Êđê ở buôn Phơng (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) lại đến phân hiệu 2 của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn trong buôn để tham gia lớp xóa mù chữ. Sự hiếu học và khao khát biết chữ của bà con nơi đây khiến nhiều người khâm phục.

Chị H’Hồng Kđok (SN 1985), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Phơng được chị em phụ nữ trong buôn gọi với cái tên trìu mến là “cô giáo H’Hồng”, bởi chính chị đã mạnh dạn mở lớp xóa mù chữ cho hàng chục chị em phụ nữ trong buôn. Do đời sống gia đình khó khăn nên đa số các chị đều phải nghỉ học từ nhỏ, cái chữ cũng “rơi rụng” dần trên nương, trên rẫy. Chị H’Hồng tâm sự: “Rất nhiều chị em trong buôn không biết chữ nên mỗi khi muốn tuyên truyền về các phong trào, hoạt động của chi hội đều rất khó. Còn trong giao dịch hành chính, đa số chỉ biết điểm chỉ thay vì ký tên. Xuất phát từ thực tế đó, sau khi đã suy nghĩ kỹ, tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương xin mở lớp dạy chữ, cho các chị em trong buôn do mình đứng lớp”. Sau khi được chấp thuận, vào tháng 10-2014, lớp xóa mù chữ được chính thức khai giảng. Ban ngày các chị đi nương, rẫy và bận các công việc nhà nên mọi người thống nhất lớp học bắt đầu từ 18 giờ 30 đến 20 giờ 30  vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.
Cô giáo H'Hồng tận tình dạy chữ cho các chị em trong buôn.
Cô giáo H'Hồng tận tình dạy chữ cho các chị em trong buôn.

Tuy học vấn của “cô giáo” H’Hồng mới chỉ tốt nghiệp THPT và không qua khóa nghiệp vụ sư phạm nào nhưng lại được nhiều “học trò” yêu thích bởi sự tận tình và ân cần với các chị em trong lớp. Không chỉ dạy chữ, cô giáo H’Hồng còn kể về những tấm gương trong gia đình, về sự nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống, chỉ cách cho mọi người biết chăm sóc gia đình, chăm sóc sức khỏe bản thân và giới thiệu các mô hình kinh tế giỏi để các chị em học tập. Ban đầu lớp học của H’Hồng chỉ có 8 người, đến nay đã tăng lên hơn 30 “học sinh” là chị em phụ nữ và một số con em của các hội viên đi theo mẹ để được rèn chữ, luyện thêm chính tả. Cứ vào mỗi buổi học, tiếng đánh vần ê a và tiếng cười giòn tan của lớp lại vang khắp cả buôn làng. “Những ngày đầu quả thật rất khó khăn, nhiều người “ngại” vì đã lớn tuổi, có người sợ mất thời gian nên từ chối tham gia. Nhưng khi được tư vấn, giải thích những lợi ích từ việc biết chữ nên nhiều người cũng thử đến lớp. Sau vài buổi đầu thấy thích nghi, lớp học ngày càng đông người tham gia” - chị H’Hồng tâm sự.

Nhìn những bàn tay chai sần vụng về cầm bút nắn nót viết từng con chữ khiến nhiều người khâm phục ý chí quyết tâm của các chị. Sau 6 tháng tham gia lớp học, hầu hết các chị đã có thể đánh vần đọc được các con chữ, nhiều người có thể viết được tên mình. Chị Tun Sila Ksor (SN 1974) cho biết, trước đây khi ra ủy ban xã để làm các thủ tục hành chính, bất cứ giấy tờ nào cần ký tên chị đều chỉ biết… điểm chỉ. Từ ngày biết chữ, chị thấy bản thân tự tin hơn rất nhiều, được học hỏi biết bao điều mới lạ. Với các chị em phụ nữ buôn Phơng, lớp xóa mù chữ của cô giáo H’Hồng không chỉ là nơi để được học chữ mà còn là địa điểm để mọi người tâm sự, chia sẻ với nhau những vui, buồn trong cuộc sống. Chị H’Nghê Kđok (SN 1977) vui vẻ tâm sự: “Trước đây vì điều kiện khó khăn nên không được đi học. Giờ nhìn các con đọc truyện, viết chữ thấy thích lắm, nên mình cũng muốn được như vậy. Qua thời gian học với cô H’Hồng, giờ mình đã biết đánh vần và đọc một số chữ”. Cũng giống chị H’Nghê, chị H’Nghiêm Niê (SN 1968), là một trong những “học sinh” lớn tuổi của lớp cho biết, rất thích tới lớp vì cô giáo H’Hồng có cách dạy rất hay và dễ hiểu, lại gần gũi với chị em. “Giờ mình thích đi học lắm, cái gì khó cứ hỏi cô H’Hồng là được trả lời ngay. Các chị em trong lớp thì rất vui, thường hay chia sẻ, giúp nhau trong cuộc sống” - chị H’Nghiêm vui vẻ nói.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Dliê M’nông thì lớp học xóa mù chữ tại buôn Phơng mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. Cái chữ đã giúp các chị em tự tin hơn trong cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ đó giúp cho Hội Phụ nữ xã thuận tiện hơn trong công tác tuyên truyền về các phong trào, hoạt động của hội nhằm giúp chị em có điều kiện tốt để chăm sóc gia đình và phát triển kinh tế.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.