Multimedia Đọc Báo in

Duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

18:02, 08/05/2015

Tỉnh Dak Lak vừa đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận đạt Chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTHĐĐT) năm 2014. Như vậy, liên tục nhiều năm nay, tỉnh ta không ngừng khắc phục khó khăn thực hiện và duy trì mục tiêu phổ cập nhằm nâng cao mặt bằng dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Thông tư số 36, ngày 4-12-2009 của Bộ GD-ĐT có 3 tiêu chuẩn chính để xét công nhận PCGDTHĐĐT là học sinh, giáo viên và cơ sở vật chất trường học. Ở tỉnh ta, với đặc điểm địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư ở không tập trung, nhất là tình trạng dân di cư tự do ảnh hưởng không nhỏ việc huy động học sinh đến trường, nâng cao chất lượng học tập. Vì vậy, để hoàn thành và duy trì kết quả PCGDTHĐĐT, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực mở rộng quy mô trường lớp học, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy - học thực hiện phổ cập giáo dục. Trong đó phải kể đến chương trình kiên cố hóa trường lớp học, dự án xóa đói giảm nghèo, chương trình 135 phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn, dự án xây dựng trường tiểu học do Chính phủ Nhật Bản tài trợ (Jai Ka), chương trình bảo đảm chất lượng trường học SEQAP, VNEN, đề án ngoại ngữ… Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 429 trường tiểu học, trong đó có 175 trường học đạt Chuẩn quốc gia - đây là những điểm sáng về phong trào dạy tốt - học tốt.  Đáng nói hệ thống trường tiểu học được quy hoạch phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường. Cùng với đó là triển khai có hiệu quả, kịp thời một số chính sách ưu đãi dành cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng đặc biệt khó khăn như: cấp sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục. Bà Thái Thị Mỹ Bình, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết: “Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý là lực lượng nòng cốt trong công tác phổ cập, do vậy ngành Giáo dục đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Đến nay trên 99,7% giáo viên tiểu học đạt trình độ chuẩn, trên chuẩn. Cùng với đó là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hạn chế học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần”. Kết quả cuối năm 2014,  toàn tỉnh huy động 36.300 trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (đạt tỷ lệ 99,6%); 28.107 trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học (đạt tỷ lệ 90%). Trong số 184 xã, phường, thị trấn đạt Chuẩn PCGDTHĐĐT (tính đến tháng 12-2014, đạt tỷ lệ 100%), có 153 đơn vị đạt Chuẩn mức độ I (tỷ lệ 83,15%), 31 đơn vị đạt Chuẩn mức độ II (tỷ lệ 16,85%), tăng 4 đơn vị so với năm 2013 và huyện Krông Ana là địa phương đầu tiên đạt Chuẩn PCGDTHĐĐT mức độ II.

Các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pak) làm bài kiểm tra hoàn thành chương trình tiểu học.
Các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pak) làm bài kiểm tra hoàn thành chương trình tiểu học.

Theo bà Thái Thị Mỹ Bình, ngành Giáo dục tỉnh đang cố gắng duy trì bền vững kết quả PCGDTHĐĐT, phấn đấu cuối năm 2016, toàn tỉnh có 30% số xã đạt Chuẩn mức độ II. Đạt được mục tiêu trên rất khó khăn, bởi toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn, thì có đến 35 xã đặc biệt khó khăn, 4 xã biên giới. Hiện nay, dù tiến độ PCGDTHĐĐT ở một số xã đặc biệt khó khăn đã thực hiện đúng kế hoạch, nhưng các tiêu chí đạt chuẩn thấp. Chất lượng học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa vẫn còn thấp, tỷ lệ chuyên cần không cao, đáng quan ngại có nhiều học sinh đang học lớp 4, lớp 5 do điều kiện kinh tế khó khăn phải nghỉ học phụ giúp bố mẹ. Chưa kể một số trường tiểu học ở các xã đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất chưa được xây dựng kiên cố, thiếu nhà công vụ cho giáo viên, thiếu công trình nước sạch, nhà vệ sinh, tường rào ảnh hưởng kết quả PCGDTHĐĐT. Từ kinh nghiệm của xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak) - đơn vị cuối cùng hoàn thành PCGDTHĐĐT, theo bà Thái Thị Mỹ Bình thì cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở cơ sở có như vậy mới duy trì bền vững và hoàn thành mục tiêu phổ cập đề ra. Về phía ngành Giáo dục, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giảm dần khoảng cách giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi. Đặc biệt nâng cao nhận thức, nhu cầu được học tập của gia đình, cá nhân, tạo thành phong trào học tập, xã hội học tập liên tục, thường xuyên, suốt đời.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.