Multimedia Đọc Báo in

“Lớp học đặc biệt” của lính biên phòng

08:29, 28/09/2012

Bắt đầu từ năm học 2012, những người lính ở Đồn Biên phòng Ia R’vê (huyện Ea Súp) ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc còn là những "người thầy" dạy chữ cho người dân nơi đơn vị đóng quân…

Thiếu úy Hoàng Văn Thọ cấp phát sách, vở cho học viên.
Thiếu úy Hoàng Văn Thọ cấp phát sách, vở cho học viên.

Từ TP. Buôn Ma Thuột vượt gần 140 km chúng tôi tìm đến “lớp học đặc biệt" của các chiến sĩ trẻ Đồn Biên phòng Ia R’vê (huyện Ea Súp). Cũng giống như những lớp học khác, trên bục là thầy giáo với phấn trắng, bảng đen, dưới lớp là các học trò say sưa nghe giảng. Nhưng điểm đặc biệt ở chỗ “học trò” là những nông dân đã lớn tuổi, còn thầy giáo là những người lính trẻ mang quân hàm xanh. Xã Ia R’vê là vùng kinh tế mới, nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng với nhiều dân tộc sinh sống, trong đó nhiều người không biết chữ hoặc bỏ học giữa chừng, thậm chí có những người còn không biết viết tên mình (chủ yếu là đồng bào dân tộc phía Bắc như Tày, Nùng, Mông, Dao đỏ). Trong giao dịch hằng ngày, mọi thủ tục liên quan đến giấy tờ đều được họ xác nhận bằng mỗi một cách là "lăn tay".

Trước thực trạng đó, Đồn Biên phòng Ia R’vê xác định nhiệm vụ đến từng gia đình tuyên truyền, vận động người dân không chỉ tích cực lao động sản xuất, cải thiện đời sống mà còn phải học chữ. Qua khảo sát của Đội vận động quần chúng, nhận thấy ở các thôn 12, 13 và 14 còn rất nhiều người mù chữ và có nguy cơ tái mù, đơn vị đã họp bàn và xin ý kiến cấp trên rồi quyết định mở lớp học xóa mù chữ cho người dân. Để có lớp học này là cả một quá trình gian nan, vất vả của những cán bộ, chiến sĩ trong Đội vận động quần chúng với “núi” công việc từ vận động người dân đến lớp, mượn phòng học, rồi vận động mua sách, vở, đồ dùng học tập… cấp cho học viên. Ngày 20-8 cùng với hàng ngàn học sinh trong tỉnh, “lớp học đặc biệt” của lính biên phòng cũng chính thức “tựu trường” với trên 30 học viên, do hai chiến sĩ trẻ là Trung úy Phạm Văn Hiếu và Thiếu úy Hoàng Văn Thọ trực tiếp đứng lớp. Tất cả sách vở, đồ dùng học tập, trang thiết bị dạy học…  học viên đều được cấp miễn phí. Và cũng như bao ngôi trường khác, ngày 5-9 lễ khai giảng giản dị nhưng ý nghĩa đã diễn ra, tiếng trống khai trường vang vọng cả vùng biên giới. Đông đảo cán bộ, chiến sĩ, người dân và cả lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đến dự, tặng quà, hỗ trợ sách, vở. Từ đó, đều đặn các buổi tối thứ 4, 6 và chủ nhật hàng tuần trong phòng học mượn của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu luôn vang lên tiếng đọc bài của thầy và trò, thầy tận tụy cầm tay từng học viên, uốn nắn những nét chữ đầu tiên, hướng dẫn cách đánh vần, làm tính, tập hát, nói chuyện thời sự... Không chỉ dạy chữ, những người lính biên phòng còn mang đến cho “học trò” những bài giảng về tình yêu quê hương, đất nước, lồng ghép tuyên truyền an ninh trật tự với xây dựng thôn, buôn văn hóa, kế hoạch hóa gia đình, chống cháy rừng, định canh định cư, ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh theo mùa… Mở được lớp học đã khó, duy trì và phát triển sĩ số càng khó bội phần, bởi ban ngày “học trò” phải mưu sinh vất vả nên đêm đến lớp rất mệt mỏi. Ngày nắng có thể đông đủ nhưng ngày mưa gió có khi chỉ có vài người ra lớp. Bên cạnh đó, học viên chủ yếu là người già, lớn tuổi nhưng chưa hề biết mặt chữ. Vì vậy, bài giảng phải bắt đầu từ những bài học vỡ lòng, thầy phải soạn giáo án sao cho phù hợp trình độ của các học viên, vừa sử dụng tiếng phổ thông, vừa sử dụng tiếng địa phương để học viên dễ học, dễ hiểu. Trung úy Phạm Văn Hiếu kể: “có lần dạy cho một học viên người dân tộc Dao phiên âm và đọc câu “Bà bế em!” Mặc dù đã được phiên âm, nhắc đi nhắc lại nhiều lần và còn cho ngồi tại chỗ luyện đọc rất kỹ nhưng khi yêu cầu đọc lại trước lớp thì học viên lại “hùng hồn” đọc to: “Bà bế cháu!” khiến cả lớp học không nhịn được cười. Thông thường, “Bà bế cháu” chứ đâu “Bế em”, khi đọc bài học viên liên tưởng đến những việc đang diễn ra hằng ngày nên dẫn đến đọc một cách “máy móc”. Chính điều đó đã giúp các anh hiểu ra một điều là phải dạy làm sao để học viên hiểu và phát âm chính xác từng con chữ, tránh tình trạng học vẹt, máy móc.

Lớp học chỉ mới diễn ra hơn 1 tháng nhưng khi chúng tôi đến thăm lớp đã thấy rất nhiều người biết đọc, biết viết và có thể tự ký tên của mình. Giờ đây, sau những buổi tuần tra biên giới, canh gác, trồng rừng hay làm nhà cho dân, tối đến các chiến sĩ trẻ lại tất bật chuẩn bị cho "lớp học xóa mù” từ việc đến tận nhà gọi “học trò” đi học, đứng lớp, chăm lo hậu cần cho lớp học… Dù khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn miệt mài “gieo chữ” với mong muốn đưa ánh sáng văn hóa đến với người dân nơi biên giới xa xôi.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.