Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số xây nhà vệ sinh - cách làm hay!

08:28, 16/08/2017

Để thay đổi ý thức, hành vi và tạo thói quen sử dụng nhà vệ sinh (NVS) đạt chuẩn cho hộ nghèo nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, việc Hội LHPN tỉnh bàn giao 100  NVS cho các hộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh là một cách làm thiết thực và có ý nghĩa.

Buôn Cuôr Kăp (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) dù chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, nhưng rất nhiều gia đình nơi đây chưa xây dựng NVS. Chị H'Knap Niê tâm sự: "Gia đình có 7 khẩu mà không có nhà vệ sinh nên cũng rất bất tiện. Biết rằng, việc đi vệ sinh bừa bãi ra vườn sẽ khiến môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và các hộ xung quanh nhưng cũng đành chịu, vì để kiếm tiền lo việc chi tiêu cho cả nhà đã khó nên chẳng dư giả để xây NVS”. Mới đây, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng mua vật liệu, vợ chồng chị đã tự bỏ công đào hầm, xây dựng NVS.

Do gia đình thuộc hộ nghèo nên dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà H’Năm Niê Kdăm (buôn Ea Prí, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn. Lâu nay, vợ chồng bà và nhiều hộ dân trong buôn mỗi khi cần giải quyết “nhu cầu cá nhân” đều phải đi vào bìa rừng cách khu dân cư khá xa, rất bất tiện việc đi lại, nhất là môi trường bị ô nhiễm. Chính vì thế, khi được hỗ trợ kinh phí làm nhà vệ sinh, vợ chồng bà đã cố gắng gom góp thêm gần 1 triệu đồng để bù vào việc thuê nhân công xây dựng.

Đại diện  Hội LHPN tỉnh trao bảng  tượng trưng  bàn giao 40 công trình  vệ sinh  cho phụ nữ  xã Hòa Thắng  (TP. Buôn  Ma Thuột).
Đại diện Hội LHPN tỉnh trao bảng tượng trưng bàn giao 40 công trình vệ sinh cho phụ nữ xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).

Các hộ nghèo dân tộc thiểu số được nhận hỗ trợ kinh phí xây dựng NVS rất phấn khởi (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột 40 hộ; xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn: 20 hộ; xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo: 40 hộ). Có nhiều hộ vay mượn thêm anh em họ hàng để mở rộng diện tích, lát gạch bông hay xây thêm nhà tắm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Đối với họ, trị giá công trình dù không lớn nhưng vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên chẳng dư giả gì để đầu tư xây dựng NVS. Cũng chính vì thế, thói quen đi vệ sinh bừa bãi càng khó bỏ khiến môi trường sống bị ảnh hưởng.

Được biết, ngoài việc hỗ trợ mỗi gia đình 4 triệu đồng để xây dựng NVS, Hội LHPN tỉnh còn tuyên truyền, phổ biến các kiến thức trong quá trình sử dụng để tránh tình trạng hư hỏng, tắc nghẽn. Hiện nay, trên địa bàn các xã được Hội hỗ trợ nói riêng, toàn tỉnh nói chung vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa có  NVS. Trong đó, ngoài lý do chính là nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện để xây dựng thì vẫn có hộ dù có khả năng nhưng do thói quen cũng như chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng NVS.

 
“Tổng kinh phí xây dựng 100 công trình vệ sinh cho các hộ phụ nữ nghèo tại các địa phương là gần 700 triệu đồng; trong đó, Hội hỗ trợ 400 triệu đồng từ kinh phí của đơn vị, còn lại là do các hộ gia đình đầu tư và Hội cơ sở hỗ trợ  thêm” 
 
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt

Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh bày tỏ: “Việc hỗ trợ các hộ phụ nữ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vùng nông thôn xây dựng NVS vừa giúp họ tiếp cận với điều kiện vệ sinh tốt hơn, thúc đẩy việc thay đổi thói quen không tốt vừa góp phần thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Một mục tiêu nữa mà Hội hướng tới khi thực hiện xây dựng NVS cho hộ phụ nữ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là thông qua các hộ được hỗ trợ nhằm giúp những người dân xung quanh hiểu được lợi ích của việc đầu tư làm NVS đạt chuẩn.

Nhận thấy việc làm thiết thực này của Tỉnh Hội, một số Hội LHPN các huyện, thị xã và thành phố cũng đã huy động kinh phí để triển khai xây dựng NVS cho các hộ phụ nữ nghèo. Cụ thể như Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã hỗ trợ xây dựng 4 NVS cho hộ phụ nữ nghèo, Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột đang tiến hành khảo sát để hỗ trợ xây dựng…

Có thể nói, việc Hội LHPN tỉnh hỗ trợ xây dựng NVS cho các hộ phụ nữ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là một cách làm hay và cần được nhân rộng để góp phần nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh chung cho một bộ phận người dân vùng nông thôn; đồng thời góp phần giúp các địa phương sớm hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.