Multimedia Đọc Báo in

Chợ của những đặc sản buôn làng

08:55, 02/08/2015

Những phiên chợ quê đậm chất nông thôn, đó không chỉ là không gian thông thương, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân mà còn là nơi lưu giữ cách thức buôn bán truyền thống với những sản phẩm hàng hóa đặc trưng xen lẫn trong dòng chảy của các hoạt động thương mại hiện đại.

Trước kia, chợ 19-8 ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) thường họp theo phiên mỗi tuần 1 - 2 lần. Bây giờ, do nhu cầu trao đổi, mua bán của người dân ngày càng tăng nên chợ họp thường xuyên và đều đặn hơn. Từ cụ bà bán trầu cau cho đến những cô hàng rau, hay các chị bán vải vóc, bánh trái, mắm muối, tương cà… tất cả đều sum họp trong không gian thấm đượm tình quê, tình người. Sản phẩm ở chợ quê nơi đây cũng đa dạng, phong phú và chủ yếu là các loại rau quả, thực phẩm, đồ vật, nông cụ được bà con tự sản xuất và đem ra bán hoặc trao đổi. Vợ chồng anh Đoàn Văn Hinh trú thôn 4, xã Ea Tiêu đã nhiều năm gắn liền với quầy hàng hoa quả tại chợ 19-8. Trái cây anh bán phần lớn được thu mua tận vườn của một số bà con trong huyện Cư Kuin nên giá bán thường rẻ hơn những loại trái cây nhập từ nơi khác đến từ 20-30%. Anh Hinh cho hay: Ở chợ 19-8, ngoài những mặt hàng mang tính hiện đại như hàng điện tử, công nghệ thì những sản phẩm “cây nhà lá vườn” của bà con nông dân vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn. Những “thương gia” quê nghiệp dư tham gia chợ chủ yếu theo phương cách hàng đổi hàng. Ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa thì chợ quê cũng là nơi cung cấp các dịch vụ thủ công như hàn dép, hàn xoong nồi, sửa khóa, cắt tóc, xay bột,... đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân địa phương. Nếu ai đã từng đặt chân đến chợ 19-8 trước đây và ngày nay, hẳn vẫn nhận ra những nét thôn quê mộc mạc, dân dã, nhưng đậm chất hồn quê. Và chính những nét đơn sơ đó, những phiên chợ dân dã như chợ 19-8 đã và đang làm phong phú thêm những nét đẹp, độc đáo của chợ quê truyền thống.

Bà con nông dân bán những sản phẩm tự làm ra tại một điểm chợ  ở buôn  Sút M'rư (xã Cư Suê, huyện  Cư M'gar).
Bà con nông dân bán những sản phẩm tự làm ra tại một điểm chợ ở buôn Sút M'rư (xã Cư Suê, huyện Cư M'gar).

Từ mờ sáng chợ thôn 3, xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) đã tấp nập người mua kẻ bán. Chợ thôn 3 là nơi tập trung khá nhiều đặc sản của bà con dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt là heo rừng nuôi, gà ta, rau rừng và trái cây được trồng từ vườn nhà. Người mua ở đây cảm thấy rất yên tâm về giá cả và chất lượng hàng hóa, vì đều là những sản phẩm an toàn. Chợ thôn 3 có bán những mặt hàng bình dị được những “doanh nhân chân đất” tính tình thật thà, có giá khá rẻ, như ổ chó con mới mở mắt giá từ 20.000-50.000 đồng/con, những con gà nuôi thả vườn 80.000 đồng/kg, hay những bó rau rừng, rau lang được bà con gom hái trong vườn nhà. Đôi tay còn lem bùn đất, thoăn thoắt xếp từng bó rau rừng trong gùi bày ra bán, chị H’Linh Byă ở thôn 2B cho biết, để có được 20 bó rau rừng đem bán, chị đã thức dậy từ khi trời còn nhá nhem phải thắp đèn để hái. Rau mới được hái trong vườn nhà, nhờ sương sớm nên còn tươi mơn mởn. Chị vừa bày ra đã có vài chị em đứng xúm lại hỏi mua và chỉ sau 30 phút, toàn bộ số rau trong gùi đã được bán hết. Chị H’Linh nhấc gùi đeo lên lưng rồi vào chợ mua ít thịt heo về để chuẩn bị cho bữa cơm gia đình. Ở một góc chợ, anh Trần Văn Thế trú thôn 3, bộ quần áo trên người còn ướt sũng do mới từ ruộng lên, đang bày bán mớ cá đồng. Đó là thành quả anh mới “thu hoạch” được sau một đêm đặt đó ở một số tuyến kênh mương nội đồng trên địa bàn. Mớ cá được anh phân loại ra thành 3 phần, những con cá to với giá 30.000 đồng, cá nhỡ giá 20.000 đồng và cá nhỏ 10.000 đồng để mọi người dễ lựa chọn. Chả mấy chốc anh Thế đã bán hết hàng, thu dọn đồ đạc về nhà để kịp cùng vợ ra rẫy bón phân cho cà phê.

Từ xa xưa, chợ quê đã tồn tại như một nhu cầu thiết yếu của mỗi gia đình, mỗi vùng quê. Chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn là không gian văn hóa, nơi giao lưu, gặp gỡ của bà con trong vùng. Chợ quê - một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong cộng đồng người dân vùng nông thôn...

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.