Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk: Nâng cao hiệu quả công tác tín dụng chính sách

11:45, 06/02/2021

Năm 2020, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và hoạt động tín dụng chính sách nói riêng.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Chính xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Đắk Lắk đã chủ động bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, của Ngân hàng Chính sách xã hội và của cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động cho vay tín dụng chính sách để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị và thực hiện an sinh xã hội.

Trong năm 2020, đơn vị đã giải ngân cho 47.652 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng doanh số cho vay 1.550 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh có 159.459 khách hàng vay vốn tại NHCSXH tỉnh, với tổng dư nợ 5.224 tỷ đồng (tăng 395 tỷ đồng so với cuối năm 2019), tỷ lệ tăng trưởng đạt 8,2%. Trong đó, một số chương trình có số dư nợ cao như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo 2.953 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 56,5%), cho vay hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân tại vùng khó khăn 812 tỷ đồng (chiếm 15,5%), cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 686 tỷ đồng (13,13%), cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động 294 tỷ đồng (5,6%)

Bên cạnh tập trung thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao năm 2020, NHCSXH tỉnh thường xuyên quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn; thường xuyên phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng tại từng đơn vị để chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp với từng địa bàn. Đồng thời rà soát, xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng theo quy định nên chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì và nâng cao. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh tại đơn vị chỉ hơn 8,4 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,16%); trong đó nợ quá hạn gần 3,4 tỷ đồng, nợ khoanh hơn 5 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk (hàng đầu, bên trái) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: Đức Minh
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk (hàng đầu, bên trái) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.  Ảnh: Đức Minh

Về công tác phòng, chống dịch và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trong tháng 4-2020 nhiều hộ vay vốn đến hạn trả nợ nhưng gặp khó khăn, NHCSXH tỉnh chủ động gia hạn nợ 1 tháng cho 1.675 hộ với tổng số tiền 31 tỷ đồng. Song song với đó, thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đơn vị đã phân công cán bộ chủ động tiếp cận với trên 700 người sử dụng lao động để tuyên truyền, rà soát đối tượng, giải đáp các thắc mắc về điều kiện, đối tượng vay vốn, nắm bắt nhu cầu vay vốn. Đến nay, đã có 3 đơn vị được vay vốn với tổng số tiền 373,8 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 218 lượt người lao động.

Với những kết quả đạt được trong năm 2020, NHCSXH tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Tổng Giám đốc NHCSXH công nhận là đơn vị xuất sắc nhất trong phong trào thi đua khu vực VIII. Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, năm 2021 đơn vị đẩy mạnh hoạt động cho vay, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình, phấn đấu tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt từ 8 -10% trở lên; tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 0,2%; hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra giám sát của Ban đại diện tỉnh, huyện và 100% kế hoạch kiểm tra kiểm soát nội bộ, kiểm tra hoạt động cho vay ủy thác hội, đoàn thể các cấp…

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.