Multimedia Đọc Báo in

Người thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi

09:56, 06/12/2017

Năm 1976, ông Nguyễn Văn Hồng xuất ngũ với hai vết thương do mảnh bom găm trong những năm tham gia chiến đấu trên nước bạn Lào. Trở về quê hương Hà Tĩnh, sức khỏe giảm sút, sản xuất nông nghiệp khó khăn, ông rất chật vật trong việc mưu sinh.

Đến năm 1995, ông Hồng quyết định bán toàn bộ gia sản ở quê để vào lập nghiệp tại phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). Với số vốn ít ỏi, ông chỉ mua được 3 sào đất cằn trồng cà phê. Đất xấu, cây cà phê không phát triển được, ông phải đi đào giếng thuê để đắp đổi qua ngày. Những ngày đi làm, nhận thấy khu vực phường Thành Nhất cỏ mọc hoang nhiều, người chăn nuôi lại ít, sẵn vốn kiến thức thú y học được ở quê, ông quyết nuôi bò.

Ông Nguyễn Văn Hồng bên đàn bò của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hồng bên đàn bò của gia đình.

Vốn ít, ông Hồng chỉ mua được một bò mẹ và một bê con. Có nguồn thức ăn dồi dào và được chăm sóc, phòng bệnh chu đáo, đàn bò sinh trưởng khỏe mạnh và dần sinh sôi. Sau một thời gian nhân đàn, ông nhận thấy nhu cầu về bò thịt cao liền chuyển hướng sang chăn nuôi bò vỗ béo. Cứ khoảng tháng 4 (âm lịch) hằng năm, ông đi khắp vùng lân cận, thu mua bê gầy (ông gọi là bê khung) để về vỗ béo. Để đàn bò lớn nhanh, ông kết hợp giữa nuôi nhốt và nuôi thả. Thời gian chăn bò của ông ngược với những người trong vùng: buổi sáng từ 4 giờ 30 đến 7 giờ, buổi chiều từ 17 giờ đến khi không còn ánh mặt trời. Theo ông, làm như thế thì bò ít tốn sức do phải kiếm ăn dưới nắng nóng, ông cũng có thêm khoảng thời gian còn lại trong ngày để dọn chuồng, cắt cỏ. Ngoài thức ăn xanh, thô, ông còn bổ sung thêm cám, bắp để tăng cường dinh dưỡng cho đàn bò. Đến cuối năm, khi những con bê gầy đã trở thành những con bò mập mạp, ông sẽ xuất chuồng để phục vụ thị trường tết. Thời điểm này, bò có giá cao hơn gấp 3 - 4 lần so với lúc mua. Có năm, ông thu lãi gần 200 triệu đồng từ việc nuôi bò.

Song song với nuôi bò, ông Hồng còn nuôi dê để tận dụng thức ăn và công chăm sóc. Mỗi ngày, sau khi chăn bò về, ông tiếp tục chăn dê, chặt lá cho dê ăn. Ông cho rằng, hai mô hình này nếu nuôi kết hợp thì rất hiệu quả bởi nguồn thức ăn cho dê đa dạng, cỏ dê ăn thừa có thể tận dụng cho bò ăn. Thời gian chăn dê và chăn bò xen kẽ cũng phù hợp hơn với sức khỏe của ông.

Với tình yêu lao động và lòng nhiệt thành, ông Hồng đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”!

Thời gian đầu chăn nuôi, toàn bộ phân bò, dê được ông dùng cải tạo đất. Khu vườn đất cằn thường xuyên được cày xới và bón phân chuồng đã trở nên màu mỡ. Ông dành riêng 1 sào để trồng cỏ. Phần còn lại, ông trồng keo để vừa có thức ăn cho dê vừa làm trụ cho tiêu. Những năm sau, lượng phân chuồng nhiều lên, ông bán cho bà con trong vùng, mang đến cho ông thu nhập khoảng 36 triệu đồng/năm.

Sau năm 2014, bê giống sốt giá, ông Hồng giảm dần số lượng bò vỗ béo, tập trung phát triển đàn dê. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm một bò đực giống để phối tinh và nhận điều trị bệnh cho gia súc của bà con trong vùng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi, ông có điều kiện lo cho các con ăn học và lập nghiệp.

Đến nay, gánh nặng lo toan đã vơi đi nhưng bản chất cần cù, chịu khó của người lính không cho phép ông Hồng ngơi nghỉ. Ông vẫn duy trì chăn 3 con bò và 30 con dê và nuôi thêm thỏ để phù hợp hơn với điều kiện sức khỏe. Ông còn đảm nhiệm vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ chăn nuôi bò của phường Thành Nhất – là nơi ông trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho những hộ chăn nuôi khác trong vùng.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.