Multimedia Đọc Báo in

Những nữ xã viên tâm huyết với nghề dệt

08:21, 26/03/2017

Được thành lập năm 2006, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ thổ cẩm Ea Tul (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) có 16 nữ xã viên chính thức trong độ tuổi từ 30 đến 60, họ đều là những thợ dệt lành nghề.

Ban ngày chị em xã viên vẫn lên nương rẫy, lo việc gia đình; đêm đến, khi mọi công việc đã hoàn thành thì họ mới bắt đầu ngồi bên khung cửi. Mỗi khi có dịp lễ, hội thì chị em lại quây quần bên căn nhà rông của HTX để cùng nhau dệt nên những tấm vải ưng ý nhất. Chị H’ Nol Ayun, một trong những thợ dệt gắn bó với HTX từ khi thành lập đến nay tâm sự: Với chị, nghề dệt không phải là nghề kiếm sống mà đó là niềm đam mê đã ngấm vào máu thịt. Mỗi khi ngồi vào khung cửi chị lại say sưa dệt mãi không thôi, có hôm dệt đến tận trời sáng.

Chị em xã viên luôn tâm huyết với nghề dù thu nhập không cao.
Chị em xã viên luôn tâm huyết với nghề dù thu nhập không cao.

Chị H’Jih Ayun, chủ nhiệm HTX cho biết, người Êđê chủ yếu dùng các màu đen, đỏ và trắng để thể hiện trên mỗi sản phẩm: khăn, túi xách, áo, quần, váy, mền… Những sản phẩm khi hoàn thành sẽ được tiêu thụ trong xã và các xã lân cận như: Ea Kuêh, Ea Kiết, Cư Suê (Cư M’gar); Cư Pơng (Krông Búk)… Không chỉ là người đầu tàu gồng gánh tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, từ năm 2008 đến nay chị H’Jih Ayun còn tham gia truyền dạy nghề dệt cho bà con trong xã hay các xã khác khi được yêu cầu. Mỗi lớp dạy như vậy đều có số lượng học viên trên 30 người. Nhờ vậy đến nay, số lượng người biết dệt trong xã Ea Tul đã tăng lên đáng kể.

Chị H’ Jih Ayun bên những sản phẩm  của HTX.
Chị H’ Jih Ayun bên những sản phẩm của HTX.

Chia sẻ về những khó khăn khi duy trì hoạt động của HTX, chị H’Jih Ayun tâm sự: Để duy trì nghề dệt, HTX cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn nhập nguyên liệu khá cao; ví dụ, để dệt một chiếc chăn loại nhỏ cần vốn khoảng 200 ngàn đồng mua sợi, rồi tiền công cho chị em, nên lợi nhuận cũng không đáng là bao. Chỉ khi có lễ hội, du khách các nơi đến tham quan thì mới mang hàng lên HTX trưng bày để bán, còn bình thường phải tự đi tìm nguồn tiêu thụ. Cũng theo chị, lúc mới thành lập HTX có 28 xã viên chính thức, nhưng lâu dần họ cảm thấy không sống được với nghề nên một số chị em đã tự động xin rút ra khỏi HTX. Hiện 16 xã viên còn lại đều là những người thực sự tâm huyết với nghề, họ vẫn ngày đêm miệt mài bên khung cửi, làm ra những sản phẩm chất lượng với mong muốn giữ gìn nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Năm 2015, sản phẩm “Thổ cẩm Ea Tul” đã được Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn phát triển bền vững”.

Nguyễn Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.