Multimedia Đọc Báo in

Dân nghèo lao đao vì vay nặng lãi!

10:55, 04/01/2017

Về xã vùng III Ea Sô (huyện Ea Kar) trong những ngày này, đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao chuyện những người bỏ nhà ra đi vì dính vào vòng xoáy nợ nần.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, không có vật dụng gì giá trị ngoài chiếc ti vi, ông Nguyễn Đình Lân (thôn 5) kể: Bản thân ông đau ốm quanh năm, con cái đã có gia đình ra riêng, thu nhập của 2 vợ chồng già nhờ vào mấy sào đất rẫy, hằng ngày nương tựa vào nhau mà sống. Cách đây 6 tháng vợ ông là bà Lê Thị Bơ bỏ nhà ra đi không lý do, sau đó có mấy người đến đòi nợ, ông mới vỡ lẽ vợ mình đang vay số tiền gần 495 triệu đồng của bà V.T.N. (thôn 8, xã Ea Đar). Nhà không kinh doanh, cũng chẳng xây dựng công trình gì giá trị, ông không biết được vợ mình vay tiền vì mục đích gì. Từ ngày đi khỏi nhà, thỉnh thoảng bà có gọi về cho ông nhưng không nói rõ đang sống ở đâu. Được biết, gia đình ông Lân thuộc diện hộ nghèo của xã Ea Sô.

Ông Nguyễn Đình Lân (bìa phải) kể lại sự việc.
Ông Nguyễn Đình Lân (bìa phải) kể lại sự việc.

Mới đây, trường hợp của chị Bùi Thị Liên (cùng trú tại thôn 5) cũng bỏ nhà đi vì khoản tiền nợ quá lớn. Được biết, từ tháng 8-2015 đến tháng 8-2016, chị Liên đã vay của bà V.T.N. với số tiền lên đến 370 triệu đồng. Trao đổi qua điện thoại, chị Liên cho biết, gia đình chị và bà V.T.N. là chỗ quen biết, khi cần số tiền để đáo hạn ngân hàng, chị đã tìm đến bà để vay với lãi suất 4 ngàn đồng/ngày/triệu. Qua nhiều lần ký vay tiền, cùng với việc tham gia huê hụi của bà N. số tiền phải trả lên đến hàng trăm triệu đồng, dẫn đến chị không có khả năng trả nợ. Túng quẫn, lợi dụng lúc chồng đi vắng, chị đã bán cặp bò và dẫn theo con trai bỏ trốn, chồng chị phải vay mượn tiền đi chuộc lại bò.

Không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ xã, thôn, buôn cũng bị vướng vào vòng xoáy cho vay nặng lãi này. Một số người đã xin nghỉ việc, hoặc chuyển đi nơi khác sống.

Theo tìm hiểu, các đối tượng vay tiền đều là chị em phụ nữ, đều giấu người thân khi đi vay mượn. Mặc dù biết lãi suất cao, nhưng để giải quyết việc gia đình, một số chị em vẫn “liều mình” ký vào giấy vay tiền. Ông Phạm Thế Dũng, cán bộ tư pháp xã Ea Sô xác nhận, trên địa bàn đang xảy ra tình trạng nhiều người bỏ đi khỏi địa phương do vướng phải nợ nần vì vay nặng lãi. Vào tháng 3-2016, xã nhận được đơn khởi kiện của bà V.T.N. đối với các trường hợp vay tiền nhưng không trả nợ. Xã đã đứng ra hòa giải thành công trường hợp bà Cao Thị Lan và Cao Thị Liễu (buôn Ea Brah). Còn như trường hợp chị Trần Thị Thảo và bà Lê Thị Bơ (thôn 5), do đã đi khỏi địa phương nên không thể hòa giải.

Cũng theo ông Dũng, những người vay nợ đa số thông qua một người phụ nữ tên Tâm, thường gọi là Tâm “Hinh” (trú tại xã Ea Sar). Bằng sự quen biết, nắm rõ những chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bà Tâm giới thiệu những người này tới vay tiền của bà N., lãi suất do chủ nợ và người vay tự thỏa thuận. Điều đáng nói, khi vay tiền, chủ nợ và người vay ký vào giấy, ghi rõ thời gian vay, số tiền tính luôn cả lãi suất, còn lãi suất bao nhiêu thì thỏa thuận “ngầm” với nhau, không thể hiện trong giấy vay nợ nên cơ quan chức năng không đủ chứng cứ để can thiệp.

Trong vai một người dân ở xã Ea Sô cần tiền nóng để đáo hạn ngân hàng, phóng viên liên lạc vào số điện thoại của bà V.T.N. hỏi vay tiền. Bà N. thẳng thắn: “Riêng địa bàn xã Ea Sô chị đã bị mất nhiều, khiếp lắm rồi, giờ có cho vay thì chỉ ít thôi và phải người quen mới giao tiền. Tố Tâm hay Tâm “Hinh” giới thiệu cho em? Điều kiện để vay đối với người lạ thì chỉ cần bìa đỏ, quen thân thì cần hộ khẩu, lãi suất theo thỏa thuận 2 bên, lúc nào ra (đến nhà) thì sẽ biết”.

Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã Ea Sô cho hay, tình trạng này đã và đang trở thành “vấn nạn” tại địa phương, khiến người dân nghèo rơi vào cảnh túng quẫn, tán gia bại sản. Chính quyền địa phương mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ bản chất sự việc nhằm ngăn chặn kịp thời và cảnh báo cho người dân biết.

Tính đến thời điểm hiện tại, tại xã Ea Sô đã có 6 trường hợp bỏ đi khỏi địa phương do không đủ khả năng trả nợ, với tổng số tiền vay trên 1,8 tỷ đồng, trong đó, có 3 trường hợp thuộc diện hộ nghèo của xã. Đó chỉ là con số thống kê căn cứ vào giấy vay nợ và đơn kiện của chủ nợ gửi lên xã, thực tế sẽ nhiều hơn, bởi còn nhiều gia đình không dám khai báo với địa phương.

 

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.