Multimedia Đọc Báo in

Nông dân "đau đầu" với phân bón giả

09:43, 21/12/2015

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về những hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả trên thị trường. Trong khi người dân lo lắng thì các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương vẫn chưa có được biện pháp xử lý kiên quyết để ngăn chặn tình trạng này.

Người dân thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) chọn mua phân bón tại một đại lý.
Người dân thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) chọn mua phân bón tại một đại lý.

Có thể nói, những năm qua, phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang có mặt ở nhiều nơi trong tỉnh… Phân bón giả không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, sự sinh trưởng của cây trồng, thậm chí còn có thể làm cây trồng bị chết, gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho người dân. Nhiều người nông dân đã phải khóc trên chính mảnh ruộng của mình khi cây hồ tiêu rụng lá, quắt queo chết dần, hay những cây cà phê chỉ có thể cho hoa không đậu quả… Khoảng tháng 6 - 2015, gia đình bà H’Djuang Niê ở xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) mua 2 tạ phân bón lá ở một đại lý trên địa bàn để phun cho 1 ha cà phê nhà mình. Thấy trên bao bì sản phẩm ghi rõ nhãn mác, nơi sản xuất là một công ty ở tỉnh Bình Dương, chỉ tiêu chất lượng tốt với công dụng khắc phục hiện tượng thiếu kẽm (xoắn lá, rụt cổ), thiếu lưu huỳnh (vàng, bạc lá non), khả năng sinh trưởng tốt, chống rụng quả, tăng trọng lượng nhân… nên cũng khá yên tâm. Tuy nhiên, sau khi phun phân bón lá được 5 ngày thì cây cà phê có hiện tượng kém phát triển, vàng lá, quả non rụng nhiều. Hay như trường hợp của ông Nguyễn Văn Hà ở thôn 11, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) vừa qua cũng mua 5 tạ phân bón NPK loại 16 - 16 - 8 - 13S do một công ty ở tỉnh Bình Định sản xuất về bón cho 500 trụ tiêu nhà mình. Sau khi bón cả tháng mà vẫn không thấy phân tan. Kiểm tra từng hạt phân bón dưới gốc tiêu thì thấy có màu trắng đục, dẻo như đất sét. Ông Hà cho biết, do phân kém chất lượng nên đã làm cho vườn tiêu của ông ngày càng xơ xác, kém phát triển, quả rụng nhiều, làm giảm năng suất cây trồng. Nếu như năm trước, năng suất vườn tiêu của ông trung bình đạt 3 kg - 4 kg/trụ thì hiện nay ước tính chỉ còn 1kg - 2kg/trụ. Trong khi đó tại vườn tiêu của một số bà con khác trong vùng vẫn đạt 4 - 5 kg/trụ…

Một đại lý thu mua nông sản và kinh doanh phân bón tại xã Dliê Ya (huyện Krông Năng).
Một đại lý thu mua nông sản và kinh doanh phân bón tại xã Dliê Ya (huyện Krông Năng).

Mặc dù đã có không ít trường hợp người dân mua nhầm phân giả bón cho cây trồng và lãnh hậu quả nặng nề, song các hoạt động kinh doanh hàng hóa này trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra hết sức bát nháo. Mỗi năm, các công ty sản xuất, dịch vụ phân bón tung ra thị trường hàng chục mẫu mã, sản phẩm mới khác nhau, và kèm theo đó là việc giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng cũng khá rầm rộ. Nếu có dịp về các xã, thôn, buôn, nhất là vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, ai cũng dễ dàng bắt gặp đội ngũ tiếp thị, quảng bá sản phẩm phân bón thông qua hình thức kêu gọi người dân tham gia lớp tập huấn, giới thiệu mô hình sử dụng phân bón, hội thảo đầu bờ… Và theo những lời quảng cáo “có cánh” của đội ngũ tiếp thị thì sản phẩm nào cũng là loại tốt nhất thị trường, cung ứng đầy đủ vi lượng, khoáng chất cho cây phát triển và thậm chí còn ngăn ngừa sâu bệnh hại. Điều này đang khiến người nông dân như lạc vào “ma trận” của thị trường phân bón mà không biết đâu là thật - giả. Trong khi đó, ngay cả chính quyền địa phương cũng khó phân biệt được “tốt - xấu” để có biện pháp chọn lọc cho phép hoạt động giới thiệu sản phẩm trên địa bàn.

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 1.000 cửa hàng, đại lý, hộ kinh doanh phân bón lớn nhỏ, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người vì lợi nhuận trước mắt mà cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về điều kiện hóa đơn, chứng từ, nhãn mác hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng không đúng trên bao bì sản phẩm… Chính điều này đã tiếp tay cho các loại phân bón giả trà trộn vào thị trường. Trong khi đó, khách quan mà nói, hằng năm, những thông tin của cơ quan chức năng về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các sản phẩm phân bón đạt hoặc không đạt về tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường gần như không được công bố rộng rãi. Từ hình thức quản lý và xử lý thiếu chặt chẽ, chưa dứt điểm đã tạo nên những lỗ hổng lớn để các mặt hàng phân bón giả tiếp tục trà trộn, tái sai phạm và ngày càng lan rộng.

Trước thực tế trên, để ngăn chặn nạn phân bón giả hoành hành, thiết nghĩ các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý nghiêm minh những cơ sở sản xuất, phân phối, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; đồng thời, công bố rộng rãi hình ảnh, thông tin về các mặt hàng giả, kém chất lượng trên các kênh thông tin đại chúng và đến tận cơ sở để người dân biết. Về phía người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về các loại sản phẩm phân bón trước khi mua; nên đến những đại lý có uy tín để mua hàng, không ham giá rẻ để rồi mua phải hàng giả…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.