Multimedia Đọc Báo in

Con đường nâng cao vị thế cà phê

09:19, 25/02/2015

Từ khi những cây cà phê đầu tiên bén rễ trên cao nguyên Dak Lak mở đầu lịch sử phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cà phê ngày nay đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Vị thế ấy, không phải loại nông sản nào cũng dễ dàng có được…

Khẳng định thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột

Với diện tích khoảng 200.000 ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 450.000 tấn, giá trị xuất khẩu 500-600 triệu USD, Dak Lak không chỉ được biết đến là thủ phủ cà phê của Việt Nam mà cà phê nơi đây còn kết tinh phẩm vị thơm ngon đặc biệt, được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Cà phê Dak Lak hiện đã chiếm 50% sản lượng cà phê cả nước và có mặt tại thị trường của khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, góp phần vào thành tích đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sản phẩm cà phê Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng đang có thêm cơ hội để mở rộng thị trường, cạnh tranh bình đẳng với cà phê của các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt và mỗi một sản phẩm phải tự tìm cho mình một hướng đi, một chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới có yêu cầu cao về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm tích hợp cả những giá trị xã hội và môi trường. Và dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển đầy thách thức của ngành cà phê Dak Lak đó là năm 2005 được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) mang thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột khẳng định, hiện Dak Lak có 10 doanh nghiệp (DN) được cấp quyền sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích trên 15.000 ha, sản lượng đăng ký hằng năm trên dưới 46.000 tấn. Hiện nay, tuy chỉ mới có Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Dak Lak bước đầu đưa cà phê nhân có CDĐL Buôn Ma Thuột bán trực tiếp cho những nhà rang xay ở các thị trường Nhật Bản, Ukraina, Bosnia, Rumani, Bỉ… với giá trị tăng thêm đạt khoảng 40-60 USD/tấn, nhưng cũng là một bước đi thành công với những nỗ lực lớn lao của DN  trong quá trình khẳng định thương hiệu. Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Dak Lak cho biết, việc tìm kiếm thị trường cho cà phê có CDĐL là không hề dễ dàng. Hiện Công ty đang tiến hành gắn logo CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột lên sản phẩm cà phê bột, đây cũng là một trong những giải pháp góp phần đắc lực trong việc quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột.

Nông dân huyện Krông Pak thu hoạch cà phê. Ảnh: Lê Ngọc
Nông dân huyện Krông Pak thu hoạch cà phê. Ảnh: Lê Ngọc

Câu chuyện bảo hộ là một hành trình dài trong chiến lược nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, đưa thương hiệu cà phê khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Và với thành công bước đầu với 6/17 quốc gia, gồm: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Lucxenbua, Thái Lan chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành cà phê Dak Lak - Việt Nam. 

Nâng cao hiệu quả của các kênh phân phối

Trên thế giới hiện có 3 kênh thương mại chính cho cà phê gồm: kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử và thương mại thông qua các sở giao dịch hàng hóa với hợp đồng kỳ hạn (giao sau). Cả 3 kênh đều hoạt động mạnh mẽ và đan xen, bổ sung cho nhau để đưa cà phê từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Riêng tại thị trường Việt Nam, phần lớn hoạt động thương mại cà phê được diễn ra trong kênh thương mại truyền thống. Thị trường thu mua cà phê trong cả nước khá sôi động khi vào mùa vụ thu hoạch, nhiều cơ sở thu mua cà phê nhân phân bố đến từng xã, các cơ sở này kinh doanh theo hình thức thu gom trung gian. Các cơ sở này đáp ứng tốt khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tuy nhiên đây cũng chính là mắt xích gây ra các hiện tượng bất ổn biến động trên thị trường cà phê nội địa trong suốt nhiều năm qua. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, mặc dù kênh phân phối truyền thống vẫn tồn tại khá nhiều hạn chế: phụ thuộc nhiều vào các cơ sở, đại lý thu mua trung gian (rủi ro cho người sản xuất cao), khó khăn trong kiểm soát những rủi ro về tín dụng… nhưng đây là kênh phân phối không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong bất cứ thị trường nông sản nào. Cho nên việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của kênh phân phối này là một nhu cầu cấp thiết và quan trọng trong quá trình xây dựng thị trường cà phê bền vững.

Hoạt động chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Dak Lak (Ảnh: Lê Hương)
Hoạt động chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Dak Lak. Ảnh: Lê Hương

Giải pháp được các nhà chiến lược đưa ra đó là, nâng cao vai trò và vị thế của các hiệp hội cà phê, đưa hoạt động mua bán nông sản, trong đó có thể  thí điểm với sản phẩm cà phê thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi theo kinh nghiệm của một số nước xuất khẩu cà phê trên thế giới, việc quy định chặt chẽ về tiềm lực tài chính, các chứng nhận kiến thức cần thiết về kinh nghiệm kinh doanh nông sản đối với các đại lý thu mua đã góp phần rất lớn vào việc tránh những cú sốc về sự phá sản, xù nợ trên các thị trường này… Bên cạnh đó, kết hợp tổ chức du lịch sinh thái các vùng văn hóa đặc sắc với việc tham quan dùng thử các sản phẩm cà phê đặc sản nhằm quảng bá thương hiệu đối với du khách, nhất là các nhà rang xay, nhập khẩu quốc tế. Đối với kênh thương mại điện tử, được xem là một kênh mua bán tiềm năng, mang lại lợi ích cho người mua lẫn người bán với giá cả sẽ tốt hơn bởi không bị chiết khấu qua khâu trung gian và những chi phí khác trong quá trình mua bán. Mặc dù số lượng mua bán diễn ra thông qua các phiên đấu giá trên Internet hiện còn khá khiêm tốn so với lượng cà phê được giao dịch hằng năm, nhưng hình thức này đang thu hút cộng đồng DN bởi đây là con đường quảng bá thương hiệu khá hiệu quả.

Còn kênh thương mại thông qua sở giao dịch hàng hóa và sản phẩm hợp đồng kỳ hạn, được ra đời và phát triển trên nhu cầu bức thiết của người sản xuất và kinh doanh nông sản nói chung và cà phê nói riêng. Cà phê là một trong những sản phẩm nông sản có mức độ biến động giá rất mạnh, vì vậy nhu cầu sử dụng các hợp đồng kỳ hạn nhằm bảo hiểm rủi ro về biến động giá là hết sức cần thiết. DN kinh doanh cà phê của Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng cũng không  xa lạ với sản phẩm kỳ hạn cà phê trên thị trường quốc tế như LIFFE, NYBOT. Tuy vậy, thực tế phần tăng lên về giá trị của cà phê không tương xứng với thị phần mà nó chiếm lĩnh trên thị trường thế giới, bởi giá bị dẫn dắt bởi 2 sàn ở New York (Mỹ) và London (Anh). 

Phơi cà phê thóc tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. Ảnh: Lê Ngọc
Phơi cà phê thóc tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. Ảnh: Lê Ngọc

Vì vậy, việc ra đời và đi vào hoạt động của Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) vào năm 2008 được kỳ vọng mang lại cho ngành cà phê nhiều lợi ích: tạo kênh đầu tư tài chính và bảo hiểm rủi ro, thiết lập mức giá khách quan, đáng tin cậy không bị thao túng từ các sàn giao dịch nước ngoài, bình ổn giá thị trường và cân đối lưu thông, nâng cao giá trị thương hiệu cà phê trên thị trường trong nước và quốc tế...  Như ông Võ Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột tin tưởng, tháng 12-2014, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thành lập Công ty cổ phần và mô hình hoạt động Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột. Việc chuyển đổi hình thức hoạt động sang mô hình cổ phần hóa với cơ chế linh hoạt sẽ khắc phục những tồn tại, tháo gỡ khó khăn, bế tắc trước đây, thu hút nguồn lực đầu tư giúp Trung tâm giao dịch cà phê phát triển, trở thành sở giao dịch cà phê theo định hướng của Chính phủ. Mục tiêu: góp phần định hướng quy hoạch chuẩn nguồn nguyên liệu, giúp cho nông dân có kế hoạch đầu tư, sản xuất theo tín hiệu giá cả của thị trường, kết nối các DN và người sản xuất, làm chủ trong hoạt động xuất khẩu cà phê, tạo lập một thị trường giao dịch tập trung, công khai, minh bạch, bảo hiểm rủi ro… của một sở giao dịch hàng hóa sẽ không xa vời khi được Nhà nước hỗ trợ, có cơ chế, chính sách phù hợp, tập trung các nguồn lực đầu tư.

Từ năm 2005, khi Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, cà phê đã trở thành tâm điểm. Đến nay, qua 4 mùa lễ hội, cà phê đang ngày càng khẳng định được tầm quan trọng của nó, vượt lên giá trị về kinh tế, nó còn mang dấu ấn về lịch sử, văn hóa. Nâng cao vị thế một thương hiệu nông sản có vai trò quan trọng như cà phê chính là góp phần nâng cao vị thế của một vùng đất giàu truyền thống như Dak Lak - Tây Nguyên.

Ngọc Khuê


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.