Multimedia Đọc Báo in

Nữ “chiến sĩ blouse trắng” trên tuyến đầu chống dịch

11:09, 20/10/2021

Gác lại bộn bề lo toan gia đình, nhiều nữ y bác sĩ trên địa bàn tỉnh đã bước vào trận chiến chống dịch COVID-19 với tâm thế chủ động, bình tĩnh, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Xung phong vào tâm dịch

Cùng đoàn y bác sĩ xung phong chi viện cho công tác chống dịch COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Thị Lệ (Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đã từng trải qua những mối nguy hiểm cận kề.

Ngày đầu tiên tiếp nhận công việc ở khu vực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy), bác sĩ Lệ không khỏi thấy ngợp khi trực tiếp đối diện với sự tàn khốc của đại dịch.

Các bệnh nhân điều trị tại nơi này hầu hết đều là những ca bệnh nặng, biểu hiện suy hô hấp kèm theo suy chức năng các cơ quan hoặc hôn mê cần thở máy. Để giành giật lại sự sống cho người bệnh đang cố duy trì từng hơi thở cần phải có máy móc, thiết bị y tế hỗ trợ và các y bác sĩ cận kề.

Bác sĩ Trần Thị Lệ (Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) chăm sóc bệnh nhân.

“Hằng ngày, ngoài việc điều trị chúng tôi còn phải tham gia chăm sóc bệnh nhân nên tiếp xúc rất gần, lúc đó không có khoảng cách giữa bác sĩ và người bệnh hay COVID-19 gì nữa, mà chỉ cố gắng làm sao để cứu được tính mạng của con người, dù mỗi đợt xét nghiệm đều có 2 - 3 y bác sĩ dương tính với SARS-CoV-2 do lây nhiễm chéo. Mỗi khi có một bệnh nhân tử vong, cảm xúc của chúng tôi lại chùng xuống trong đau xót, bất lực vì mình đã làm hết sức, cầm điện thoại lên mà nghẹn lòng không thể thông báo tin dữ cho người nhà bệnh nhân. Nhưng khi cảm xúc qua đi, tất cả lại nỗ lực với công việc, khi một bệnh nhân có chuyển biến tốt lên, có thể cai máy thở là niềm hạnh phúc vô bờ đối với tôi và cả tập thể đội ngũ nhân viên y tế của khoa” – bác sĩ Lệ tâm sự.

 

Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, hiện lực lượng y tế của tỉnh hơn 6.000 người, trong đó có hơn 60% là nữ. Những ngày tháng làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19 đối với nam giới đã vất vả, thì với nữ giới sự vất vả đó tăng gấp bội phần. Gần như họ phải tạm gác lại mọi chuyện chăm lo con cái, gia đình để phục vụ công tác chống dịch. Đó là một sự hy sinh lớn lao và rất đáng ghi nhận.

Vòng quay công việc cứ thế cuốn lấy bác sĩ Lệ và các đồng nghiệp, họ chỉ tranh thủ gọi điện về thăm hỏi người thân, gia đình giữa những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi sau ca trực.

Thông tin ở nhà vẫn bình yên, con cái vẫn mạnh khỏe, ngoan ngoãn là nguồn động viên lớn để họ vững tâm nơi tuyến đầu. Ai cũng cố gắng làm việc hết sức mình với tâm nguyện bệnh nhân sớm được điều trị khỏi, sớm trở về sum họp gia đình.

Lặng thầm góp chiến công

Đã tham gia nhiệm vụ chống dịch COVID-19 thì luôn sẵn sàng chấp nhận công việc nguy hiểm, xa gia đình và cách ly với xã hội.

Trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, chị Nguyễn Thị Kim Tuyền (nhân viên Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) luôn sát cánh cùng đồng nghiệp trên “mặt trận” cam go là tiếp cận với nguồn lây nhiễm để lấy mẫu test nhanh, xét nghiệm COVID-19.

Công việc lấy mẫu dẫu không nặng nề, nhưng khi phải làm việc liên tục nhiều giờ liền trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dù khát nước cũng không thể uống, đói cũng không thể ăn để hạn chế việc lây nhiễm chéo, thì đó lại là cả một sự nỗ lực không nhỏ.

Đặc biệt, trong những ngày tỉnh tổ chức tiếp nhận công dân trở về từ vùng dịch, cũng là chừng đó thời gian, chị Tuyền và các đồng nghiệp làm việc thâu đêm suốt sáng, bữa ăn chỉ là hộp cơm nuốt vội, giấc ngủ là cái chớp mắt vội vàng trong lúc tạm vắng người giữa hai đợt công dân về.

Sau mỗi đợt lấy mẫu, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ là toàn thân ướt đẫm mồ hôi, gương mặt in hằn vết khẩu trang, đôi bàn tay nhăn nhúm vì mang bao tay cao su quá lâu. Ấy là chưa kể đến những nguy cơ thường trực khi thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.

Song, vượt lên tất cả, chị Tuyền và các đồng nghiệp luôn cố gắng gấp rút hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, vì họ biết, càng có kết quả xét nghiệm sớm, việc truy vết và hạn chế lây lan dịch bệnh sẽ càng hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyền, nhân viên Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân TP. Buôn Ma Thuột

“Mỗi khi có thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, dù ngày hay đêm, nhận lệnh của lãnh đạo Trung tâm, chúng tôi đều nhanh chóng có mặt để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm, đồng thời triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng. Nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, tuy nhiên nhờ được tập huấn phòng dịch bệnh kỹ càng, chúng tôi đã động viên nhau vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ” – chị Tuyền thổ lộ.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 chưa biết khi nào kết thúc, những nữ y bác sĩ vẫn đang ngày đêm miệt mài, vững vàng nơi tuyến đầu cùng các lực lượng nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh với niềm tin sớm mang lại cuộc sống bình thường mới cho người dân.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.