Multimedia Đọc Báo in

"Vi-rút đám đông" mùa COVID

22:06, 01/08/2021

Những tưởng trải qua 4 làn sóng COVID-19, nhiều người sẽ bình tâm hơn trước các quyết định phong tỏa, giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng, dù chưa nhận thông báo chính thức từ chính quyền, chỉ cần mạng xã hội phao tin, nhiều người lại lao ra đường mua sắm ồ ạt, tích trữ hàng hóa, bất chấp khuyến cáo.

Sự việc đổ xô đến các chợ, siêu thị… để mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ khi hay tin TP. Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ (kể từ 0 giờ ngày 24-7 đến hết ngày 7-8), một lần nữa cho thấy sự bất ổn, tâm lý chạy theo đám đông của một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn. Nhận thức hạn chế cùng với lo lắng, hoang mang của không ít người đã bị đẩy lên mức thái quá đến vô lý. Bởi họ sợ dịch bệnh, nhưng vì "lo quá hóa quên", lao thân vào những nơi đông người mà cơ quan khuyến cáo là có nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo ghi nhận thực tế, dù chưa đến mức hỗn loạn, chen lấn để mua cho bằng được lương thực và các nhu yếu phẩm, nhưng việc người mua tăng đột biến khiến các mặt hàng nhất thời bị khan hiếm. Trong khi đó, Sở Công thương đã sớm có các phương án đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng hàng hóa thiết yếu, ứng phó dịch COVID-19. Với tình huống nghiêm ngặt  nhất là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì Sở Công thương đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Chưa kể các siêu thị lớn trên địa bàn cũng thông báo luôn cung ứng đầy đủ hàng hóa, thực phẩm trong mùa COVID-19.

Nhiều người dân đổ xô đi mua sắm trước giờ TP. Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Kế hoạch, cam kết cung ứng hàng hóa của ngành chức năng, doanh nghiệp đã có, song khi dịch bệnh đến, một bộ phận không nhỏ người dân lại quên hết, tích cực mua hàng tích trữ dù nhu cầu tiêu dùng chưa cao. Thực tế những đợt dịch COVID-19 trước, vì nghe những thông tin không chính thống nên nhiều người mua hàng quá nhiều dẫn đến chuyện thực phẩm tươi (rau, củ, quả…) bị hư hỏng, gây lãng phí; còn các mặt hàng khô (mì tôm, cá khô…) ăn cả tháng chưa hết.

Bài học dễ nhận thấy đó là cuộc khủng hoảng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, xà bông rửa tay xảy ra trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên. Thời điểm ấy, do nhu tăng đột biến nên lượng hàng khan hiếm, cộng thêm việc tích trữ, vô hình trung gây ra hiện tượng khan hiếm ảo, làm rối loạn thị trường. Sự việc này đã tạo cơ hội cho những kẻ đầu cơ trục lợi, găm hàng đẩy giá lên cao gấp nhiều lần. Cũng từ đây xuất hiện những vụ việc về sản xuất hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, thậm chí là lừa đảo. Người  thiệt đầu tiên không ai khác chính là người tiêu dùng và họ chỉ còn biết chấp nhận. Ngoài ra, hễ nghe có loại thuốc, loại cây, củ  nào có thể ngăn được COVID-19 là nhiều người lại lùng mua mà không biết cách sử dụng ra sao cho hiệu quả, tránh phản tác dụng.

Từ những sự việc trên có thể thấy, việc nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất, nguy cơ dịch bệnh là điều rất quan trọng trong đại dịch COVID-19. Và vi rút COVID-19 không đáng sợ bằng “vi rút đám đông” vẫn còn tồn tại, lan rộng ở một bộ phận người dân. Để sớm đẩy lùi được dịch bệnh, mỗi cá nhân cần thực hiện tốt các khuyến cáo, quy định phòng, chống dịch, tránh hành động theo kiểu tâm lý đám đông. Chính quyền, cơ quan chức năng cần xử lý thật nặng những người tung tin thất thiệt, kích thích “vi rút đám đông” lây lan trong cộng đồng.

Thanh Trúc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.