Multimedia Đọc Báo in

“Càng sâu thêm nỗi vấn vương đất này”

09:55, 24/10/2021

“Về Ban Mê đi anh” là tập thơ thứ ba của nhà thơ Nguyễn Duy Xuân, sau “Giọt nắng cao nguyên” (NXB Hội Nhà văn, 2013) và “Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi” (NXB Hội Nhà văn, 2016).

Vẫn lối viết sở trường, đẫm chất trữ tình thế sự, “Về Ban Mê đi anh” dẫn dắt người đọc đến với nhiều vùng đất của Đắk Lắk, Tây Nguyên, với những tên đất, tên người, sản vật, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa độc đáo và những cảm xúc vui, buồn về hiện thực cuộc sống hôm nay.

 

Là người đã có trên 40 năm sống ở vùng đất cao nguyên, đã đi nhiều nơi, với nhiều gắn bó, trải nghiệm nên hồn thơ Nguyễn Duy Xuân luôn hướng và thao thức về những nơi anh đã lưu dấu trong tim.

Đấy là “Đắk Nông chiều mưa”  với “Phố nhỏ chập chờn em bước vội/ Cánh dù hoa tím, gió chao nghiêng”.

Đấy là “Đray Sáp” với “Nét xưa huyền ảo còn đây/ Bồng bềnh sương khói rừng lay nắng chiều”. Đấy là “Buôn Tuôr ngày về” với “Bước đi... lòng những bồi hồi/ Ngỡ như còn đó một thời yêu thương”;  là “Thị trấn Krông Nô” với “Những đêm mưa bầu trời cuộn sóng/ Mà ban ngày em cõng/ từng gùi/ từng gùi nước trên lưng”.

Rất nhiều địa danh được nhà thơ gọi tên trong cảm xúc thơ của mình, như: An Khê, Đắk Buk So, Ea H’leo, Ea Tân, Krông Năng, Ea Kao... Qua đó, người đọc được theo bước chân anh và sống cùng anh trong những kỷ niệm, những tâm sự vui, buồn.

Gắn bó, chung thủy với Đắk Lắk, Tây Nguyên, nhà thơ yêu vùng đất đỏ bazan này với tất cả lòng chân thành, tha thiết: “Bây giờ tóc đã điểm sương/ Càng sâu thêm nỗi vấn vương đất này/ Đến đây thì ở lại đây/ Vượt lên gian khó mà xây cuộc đời” (Ba mươi năm ấy bây giờ),  nên tập thơ có nhiều bài mang cảm hứng ngợi ca, tự hào về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, về con người, đặc sản và cảnh đẹp của thiên nhiên...

Nguyễn Duy Xuân ca ngợi tinh thần bất khuất của đồng bào Tây Nguyên trong kháng chiến bằng những lời thơ mạnh mẽ, đầy chất lửa: “Khổ đau, không chịu sống quỳ/ Gái trai, già trẻ nhất tề đứng lên/ Hờn căm núi vọng sông rền/ Xà nu cháy lửa khắp trên buôn làng” (Chuyện làng Xô Man). 

Anh ca ngợi đặc sản cà phê Buôn Ma Thuột bằng những dòng lục bát nhuần nhuyễn:  “Cà phê hoa nở trắng trời/ Tỏa hương thơm ngát gọi mời bướm ong/Chắt chiu từ đất cay nồng/ Hương thơm vị đắng quyện trong hoa này/Nắng mưa ấp ủ tháng ngày/ Sắc nâu quyến rũ mê say lòng người” (Hương cà phê Ban Mê).

Anh ca ngợi vẻ đẹp của người con gái Tây Nguyên, qua hình ảnh của Hoa hậu H’Hen Niê thật quyến rũ và ấn tượng:  “Hãy một lần đến với Tây Nguyên/ Bạn sẽ gặp rất nhiều H’Hen/Những cô gái da nâu, ngực căng, vai trần/Chiếc gùi chung chiêng lên nương làm rẫy/Như dã quỳ khoe sắc chiều đông” (Đóa dã quỳ).

Anh ca ngợi tình cảm của người dân Tây Nguyên với Bác Hồ, thông qua tình cảm của một em thiếu nhi dân tộc Cơ Ho lần đầu được ra Thủ đô, được tới thăm nhà sàn của Bác: “Mai về rừng núi xa xôi/Cháu mang theo cả khoảng trời Thủ đô/ Mang theo hình bóng Bác Hồ/ Về nơi làng bản Cơ Ho quê nhà”  (Về Thủ đô thăm nhà Bác).

Là một người có năng khiếu viết báo (đã có gần 1.000 bài đăng các báo, tạp chí trong, ngoài tỉnh), Nguyễn Duy Xuân vừa có tầm quan sát rộng, vừa có năng lực tìm hiểu sâu nhiều vấn đề của đời sống xã hội để viết báo; những điều đó đồng thời cũng “vọng âm” rõ nét trong thơ anh, lưu dấu trong lòng bạn đọc về “tính thế sự” của thơ Nguyễn Duy Xuân.

Hiện tượng thiên nhiên bị tàn phá, văn hóa bản địa đặc sắc bị pha trộn hổ lốn, trẻ em vùng cao đi học rất khó khăn, gian khổ... không chỉ xuất hiện trong các bài báo của anh, mà còn xuất hiện cả trong thơ: “Bến Sê rê pốk/ Nước đục đỏ ngầu/ Bóng dáng đại ngàn/ Còn đâu? Trong cổ tích/ Chiếc áo rừng/ Bươm rách/ Những mảnh vá thời gian.../ Những chú voi/ Đầm mình vượt sông/ Oằn lưng/ cõng khách/ Vây vẩy đuôi cụt...” (Tháng ba Tây Nguyên); “Chân trần em đến lớp/ Đạp đá núi băng rừng/ Bàn chân em tóe máu/ Giẻ rách quấn thay băng/ Bữa ăn dù nhạt muối/ Khoai sắn cũng ấm lòng/ Giấc mơ cơm có thịt/ Chập chờn suốt mùa đông” (Giấc mơ của trẻ vùng cao).

Không chỉ có tính thế sự, đọc “Về Ban Mê đi anh”, ta còn được thấy một góc lãng mạn trong tâm hồn Nguyễn Duy Xuân, được thấy bóng dáng những “người đẹp” có thể đã “song hành” cùng anh, có thể chỉ là “lướt qua nhau” trên đường đời, hiện lên trong thơ, dẫu chỉ thấp thoáng, cũng khiến ta vấn vương, bồi hồi cùng người viết: “Đâu rồi hình bóng của người/ Cánh dù hoa tím - một thời vấn vương?/ Nặng lòng bao nỗi nhớ thương/Hồn tôi lạc giữa phố phường phồn hoa” (Đắk Nông ngày trở lại).

Hay đêm Noel ở Ngã Sáu, giữa dòng người nêm chật phố đêm, rực rỡ sắc màu, ngàn sao lấp lánh, anh đi tìm “người cũ” - người đã “cùng anh” Noel năm nào, nhưng không thấy; vì thế mà “Giữa muôn người vẫn thấy lẻ loi/ Bím tóc này/ Màu áo kia/ Hình như.../ Không phải...”. Ta như thấy hiện lên trước mắt mình một anh chàng hớt hải, dòm ngó hết người này người kia mà không thấy “người cũ”, để rồi cuối cùng anh chỉ biết: “Ước chi Ngã Sáu này nhỏ lại/ chỉ còn anh và em”.

Trung thành với cách viết truyền thống, không cầu kỳ trong lập tứ, lập câu;  ý tưởng và cảm xúc thơ được thể hiện bằng những thi ảnh trực diện, ngôn từ giản dị, không dùng những ẩn dụ sâu xa, nên  thơ Nguyễn Duy Xuân dễ cảm nhận, dễ đồng tình, không bị xem là “đánh đố” như của không ít tác giả thơ hiện nay.

Đặng Bá Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.