Multimedia Đọc Báo in

Di tích lịch sử thôn Cây Xoài trên hành lang chiến lược Bắc - Nam

09:37, 20/11/2022

Tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) từng được Mỹ - ngụy xem là địa bàn chiến lược, là “cánh cửa thép” để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam, để khống chế toàn bộ vùng Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đông Bắc Campuchia. 

Năm 1959, quán triệt Nghị quyết 15 về đường lối cách mạng miền Nam, việc khai thông đường hành lang chiến lược Bắc - Nam được đặt ra là cấp thiết. Ngày 25/5/1959, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính thức thành lập Đoàn B90 có nhiệm vụ bí mật vào Nam cùng với đơn vị tại chỗ xây dựng cơ sở, xoi mở hai tuyến đường phía đông và phía tây từ Nam Tây Nguyên vào miền Đông Nam Bộ - nơi có Xứ ủy Nam Bộ.

Đoàn viên thanh niên thắp hương tưởng niệm tại Di tích lịch sử thôn Cây Xoài.

Vượt qua những khó khăn, hy sinh và cả những chuyến móc nối không thành công, cuối cùng, vào khoảng 16 giờ ngày 30/10/1960, đoàn công tác B90 đã bắt liên lạc với đoàn công tác C200 của miền Đông Nam Bộ tại thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Đến ngày 4/11/1960, tại Km 4 trên đường Đắk Song đi Gia Nghĩa, cánh phía tây của Đoàn B90 tiếp tục bắt liên lạc với đơn vị C270 từ Đông Nam Bộ lên. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược, đường hành lang chiến lược Bắc - Nam được khai thông đã trở thành một điểm nút quan trọng giúp thông suốt tuyến đường Hồ Chí Minh. Từ đây tuyến vận tải quân sự chiến lược đường Hồ Chí Minh như huyết mạch thông suốt từ Bắc chí Nam chi viện kịp thời sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau những tháng ngày cam go, các đội công tác xoi đường được tổ chức thành những chi bộ đầu tiên nòng cốt của Đảng bộ, tuyên truyền, vận động, khôi phục và xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, vận động nhân dân tăng gia sản xuất... Đặc điểm của tỉnh Đắk Nông là căn cứ địa rừng núi, quy mô nhỏ, liên hoàn, liên thông nên các nhánh hành lang trên địa bàn đã thích ứng và phát huy hiệu quả hoạt động quân sự trong tiến công và phòng thủ; hạn chế vũ khí, kỹ thuật, tác chiến binh chủng quy mô lớn của địch; tiếp nhận, vận chuyển hậu cần tác chiến cho chiến trường. Từ năm 1961 đến năm 1965, tuyến đường Hồ Chí Minh thông suốt, hàng vạn con em đồng bào Nam Bộ tập kết ra Bắc đã trở lại chiến trường; hàng loạt nhu yếu phẩm như bưu phẩm, công văn tài liệu, vũ khí, khí tài, kể cả thiết bị đài phát thanh giải phóng... đã được các chiến sĩ giao liên tuyến cánh đông và cánh tây đưa đón, vận chuyển khẩn trương chi viện cho chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ; đưa đón cán bộ cấp cao của Đảng vào Nam lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống Mỹ. Qua một thời gian hoạt động, cơ sở ở Nam Tây Nguyên được mở rộng và nối liền các vùng có cơ sở ở tây Khánh Hòa, tây Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng và nối liền từ Đắk Mil đến chiến khu Đ. Bên cạnh đó, lực lượng hành lang Quảng Đức phối hợp với Campuchia mở rộng vùng kiểm soát dọc tuyến hành lang, tạo sự liên hoàn, phối hợp có hiệu quả các chiến trường trong kháng chiến.

Du khách tham quan Di tích lịch sử thôn Cây Xoài.

Đường hành lang được khai thông đã nhận được sự đồng thuận, liên minh chiến đấu của nhân dân Campuchia. Theo đó, nhân dân Campuchia không chỉ nhất trí để cách mạng Việt Nam mở đường bộ, đường thủy vận chuyển hàng hóa từ hành lang chiến lược Trường Sơn đi qua, mà còn tạo điều kiện cho các đơn vị hậu cần thu mua lương thực, thực phẩm cung cấp cho các đơn vị chiến đấu. Ngược lại, Việt Nam giúp Campuchia tổ chức xây dựng lực lượng chiến đấu, giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Sự chi viện vũ khí, khí tài, phối hợp chiến đấu của miền Bắc Việt Nam với Campuchia đi qua đoạn đường trọng yếu này đã góp phần tạo nên thắng lợi các chiến dịch quân sự lớn (chiến dịch Chenla I, Chenla II...) khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, đặc biệt trong giai đoạn cuối cùng giải phóng Phnôm Pênh. Qua đó, tô thắm thêm lịch sử quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung, nhân dân Việt Nam với Campuchia nói riêng trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Di tích lịch sử thôn Cây Xoài “Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông” được Nhà nước đầu tư xây dựng và hoàn thành vào ngày 23/3/2010. Đến ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (trong đó có đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông). Nhằm đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ hiện đang còn sống trên mọi miền Tổ quốc và tưởng nhớ đến các đồng chí, đồng đội đã chiến đấu và hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hành lang chiến lược Bắc - Nam, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tri ân công lao to lớn của các bậc cha anh, ngày 30/10/2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Lễ tưởng niệm và đặt Bia ghi danh các cán bộ, chiến, sĩ đã tham gia chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đường hành lang chiến lược Bắc - Nam tại thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.