Multimedia Đọc Báo in

ASEAN khẳng định tinh thần cộng đồng, chủ động đối mặt thách thức

16:57, 29/10/2021

Sau ba ngày họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Brunei - nước giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2021, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị cấp cao liên quan đã khép lại tối 28-10.

Những nội dung được bàn thảo, nhất trí và thông qua tại các hội nghị đã thể hiện quyết tâm của ASEAN cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 vẫn bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế của các nước trong khu vực.

Kết quả đạt được tại các hội nghị cũng một lần nữa khẳng định năng lực, vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Một trong những kết quả quan trọng của hội nghị là việc lãnh đạo các nước ASEAN đã tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa Cộng đồng ASEAN cũng như vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN nhằm giải quyết các thách thức chung, trước hết là đưa khu vực sớm vượt qua đại dịch COVID-19 (vốn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 277.000 người dân ASEAN) cũng như thúc đẩy sự phục hồi toàn diện hậu đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ bế mạc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ bế mạc. (Ảnh: TTXVN)

Để đạt được mục tiêu trên, ASEAN nhắc lại cam kết hợp tác thông qua 5 chiến lược rộng lớn của Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) nhằm giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thông qua một loạt văn kiện, trong đó có Khuôn khổ toàn diện ASEAN về nền kinh tế chăm sóc nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng phức tạp và các thách thức ngày càng gia tăng; Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực; Khung kinh tế tuần hoàn ASEAN, trong đó xây dựng lộ trình hướng tới các mục tiêu dài hạn đầy tham vọng về khai thác hiệu quả tài nguyên, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững...

Việc ASEAN nhất trí thông qua những khuôn khổ và kế hoạch hành động chung một lần nữa chuyển đi thông điệp về tinh thần hợp tác, đồng lòng cùng nhau kiểm soát đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế, đúng như chủ đề năm ASEAN 2021: “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng.”

Việc ASEAN tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài, trước hết là thúc đẩy nỗ lực nhằm cùng nhau ứng phó với COVID-19, tiến tới phục hồi tổng thể và bền vững, giải quyết các thách thức chung và chuẩn bị cho tương lai, cũng là một điểm nhấn của hội nghị.

Tại các hội nghị ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga..., lãnh đạo các nước đã khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ và tiếp tục hợp tác với ASEAN ứng phó dịch COVID-19, nhất là nâng cao năng lực y tế, tự chủ về vắc xin và sớm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, khôi phục đi lại giữa các nước trong điều kiện bình thường mới.

Hiện, các nước thành viên và các đối tác bên ngoài đã cam kết đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 số tiền lên tới 25,8 triệu USD, trong đó 10,5 triệu USD sẽ được trích để mua vắc xin.

Các nước cũng nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi và phát triển bền vững.

Đáng chú ý, tại hội nghị lần này, lãnh đạo ASEAN và Australia đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến, ngày 27/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến, ngày 27-10-2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

ASEAN cũng đã thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, khẳng định quan điểm và tiếng nói trong những vấn đề toàn cầu.

Tại hội nghị này, ASEAN đã đưa ra Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về Đề cao chủ nghĩa đa phương, Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh, Tuyên bố của ASEAN gửi đến Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26)...

Trong khi đó, các đối tác tiếp tục đề cao vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực; lãnh đạo nhiều nước đối tác cũng khẳng định các tiến trình do ASEAN đứng đầu và dẫn dắt đang tiếp tục là cách thức để ứng phó hiệu quả với các thách thức.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đánh giá vai trò trung tâm của ASEAN luôn là ưu tiên quan trọng đối với New Delhi.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hoan nghênh ASEAN đã giữ vai trò trung tâm và thống nhất, đưa ra định hướng rõ ràng thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington cam kết đối với vai trò trung tâm của 10 quốc gia ASEAN trong khu vực. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh ASEAN có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới; Trung Quốc ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực....

Phát huy kết quả tốt đẹp của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19, đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 18. (Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 18. (Ảnh: TTXVN)

Tại các hội nghị ASEAN lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 2 trọng tâm phát triển ASEAN cần tập trung trong thời gian tới. Thứ nhất, ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch COVID-19 với sự tham gia của “cả Cộng đồng,” hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.” Muốn thực hiện trọng tâm này, ASEAN cần chuyển sang chiến lược mới để quản lý sự thay đổi với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.

Có thể thấy, thông qua các hội nghị lần này, ASEAN đã thể hiện tinh thần cộng đồng, sẻ chia, kiên cường, chủ động đối mặt với khó khăn, thách thức, cùng nhau vượt qua nghịch cảnh, từng bước phục hồi kinh tế để chăm lo ngày càng tốt hơn cho người dân.

Sự đóng góp trách nhiệm, xây dựng của các nước thành viên ASEAN tại các hội nghị vừa diễn ra không chỉ thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, mà còn củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.