Multimedia Đọc Báo in

Vận dụng luật tục Êđê để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh

08:03, 13/09/2021

Đọc một số công trình nghiên cứu, các tài liệu, sách báo viết về Tây Nguyên xa xưa, tình cờ tôi phát hiện ra một điều rất có ý nghĩa, phù hợp với công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, nếu chúng ta biết vận dụng để tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là từ xưa người Êđê đã rất quyết liệt trong phòng, chống dịch và rất nghiêm khắc đối với những ai làm lây lan dịch bệnh.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cho đến bây giờ luật tục vẫn có giá trị nhiều mặt, không chỉ là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu xã hội tộc người, văn hóa tộc người mà còn là di sản văn hóa độc đáo, là tri thức dân gian về quản lý cộng đồng...

Trong luật tục Êđê có quy định về việc cấm đi lại trong khi buôn làng có dịch bệnh: “Những năm hạn hán, nóng nực, ông Đu, ông Đie (các vị thần linh tối cao - chú thích của người viết) gây ra bệnh hoạn, chết chóc. Vì vậy, làng phải kiêng cữ để năm tháng được trở lại yên lành. Nhiệm vụ cữ là của mọi người dân. Kẻ nào khi làng vào cữ, đường đã cắm dấu cấm đi, đường đã trồng cây chắn lại mà vẫn cứ vào làng thì kẻ ấy là có tội. Nếu ông trời và các thần linh lại nổi giận, gây ra bệnh hoạn chết chóc thì người đó phải chịu trách nhiệm. Người ta đã phải giết bao nhiêu lợn, bao nhiêu gà để cúng, thì hắn phải đền lại bấy nhiêu lợn, bấy nhiêu gà. Có bao nhiêu ché rượu đã phải lấy ra để cúng, hắn phải đền lại đủ bấy nhiêu. Nếu xảy ra có người ốm không khỏi được, cứ nằm li bì trên chiếu, trong chăn thì hắn cũng là kẻ phải chịu trách nhiệm. Nếu người đó chết thì hắn phải trả giá mạng người. Còn nếu người đó chỉ bị thương tật thì hắn phải chịu phạt một khoản bồi thường”.

Như vậy, luật tục Êđê từ xưa đã quy định rõ việc “kiêng khem” trong khi dịch bệnh đang xảy ra. Ai không chấp hành sẽ bị xử phạt. Mức xử phạt, tùy theo hậu quả gây ra, có thể rất nặng, mất rất nhiều tài sản để đền bù, không chỉ cho một người mà nhiều người trong buôn làng; thậm chí có thể bị phạt mức cao nhất là “trả giá bằng mạng người”. Điều này thể hiện tính nghiêm khắc, quyết liệt của người Êđê xưa trong phòng, chống dịch bệnh.  

Trong thời gian qua, ở tỉnh ta đã xảy ra một số ổ dịch trong vùng đồng bào dân tộc Êđê; nguyên nhân do một số thanh niên đi làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... khi trở về mang theo vi rút SARS-CoV-2 nhưng đã không thực hiện đầy đủ các quy định cách ly, vẫn đi lại giao tiếp trong buôn làng, làm lây nhiễm tới hàng trăm người. Thiết nghĩ, trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát hiện nay, bên cạnh việc tuyên truyền tốt các quy định hiện hành về phòng, chống dịch, thì việc vận dụng luật tục Êđê tuyên truyền trong vùng đồng bào thiểu số để bà con biết được ngày xưa cha ông họ cũng đã có những quy định tương tự và rất nghiêm khắc về phòng chống dịch như thế nào; từ đó, họ sẽ “thấm hơn”, hiểu sâu sắc hơn các quy định về phòng, chống dịch hiện nay và có ý thức tự giác thực hiện tốt hơn.

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.