Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công: Chia sẻ khó khăn, giảm thiệt hại cho cơ sở sản xuất

08:40, 09/10/2024

Xóa bỏ lò gạch thủ công là chính sách đúng nhằm phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường nhưng sẽ gây thiệt hại kinh tế cho các cơ sở sản xuất.

Do đó, ngày 20/7/2022, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ tháo dỡ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lò vòng, lò vòng cải tiến không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp (Nghị quyết 21).

Giảm khó khăn cho người dân

Theo chính sách của tỉnh, các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công tự nguyện chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2020 và hoàn thành việc tháo dỡ nhà xưởng, di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và các hạng mục phụ trợ, hoàn trả mặt bằng trước ngày 31/12/2022 thì được hỗ trợ kinh phí. Đối với các chủ cơ sở không hoàn thành việc tự nguyện tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng trước ngày 31/12/2022 thì không được hỗ trợ.

Việc thực hiện Nghị quyết 21 đã góp phần chia sẻ với khó khăn, thiệt hại của người dân. Ông Ngô Hồng Bạch, nguyên chủ Cơ sở lò gạch Nam Sơn (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) cho hay, năm 2005, ông đầu tư vốn để xây dựng lò gạch đốt củi. Đến năm 2009, ông chuyển qua xây dựng lò liên hoàn đốt than.

Tuy nhiên mới hoạt động được mấy tháng thì đầu năm 2010, Nhà nước có quy định mới nên ông phải dừng sản xuất gạch. Kinh phí mà ông đầu tư xây dựng lò gạch hơn 2 tỷ đồng, qua gần 4 năm hoạt động, mới chỉ lấy lại được khoảng 25% số vốn đầu tư. Vừa qua, ông Bạch được Nhà nước hỗ trợ 183 triệu đồng theo Nghị quyết 21. Tuy số tiền này không bù được chi phí thua lỗ nhưng là một sự động viên rất lớn đối với gia đình ông.

Nghị quyết 21 giúp các cơ sở sản xuất gạch thủ công đã tháo dỡ giảm bớt khó khăn. (Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn huyện Krông Ana).

Tại huyện Krông Bông có 8 cơ sở sản xuất gạch thủ công bằng đất sét nung đã chấm dứt hoạt động, trong đó có 6 cơ sở đã tự tháo dỡ hoàn trả mặt bằng trước ngày 31/12/2022. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, tiến hành kiểm tra xác minh, lập phương án hỗ trợ và ban hành quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ tháo dỡ, với tổng kinh phí hơn 614 triệu đồng. Đối với 2 cơ sở đã chấm dứt hoạt động nhưng chưa tự tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng trước ngày 31/12/2022, hiện nay đã chuyển sang làm trại chăn nuôi và lắp đặt điện mặt trời áp mái nên không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định.

Một chủ cơ sở lò gạch tại xã Ea Bông (huyện Krông Ana) cho rằng, việc xóa bỏ lò gạch thủ công không chỉ thực hiện ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk mà trên phạm vi cả nước. Các cơ sở đều nhận thức đây là chủ trương đúng để phát triển vật liệu xây dựng không nung nên rất đồng tình. Một số cơ sở đã thu hồi vốn thì thiệt hại ít, với chủ lò mới đầu tư xây dựng chưa lâu trước thời điểm phải chấm dứt hoạt động thì thiệt hại nhiều hơn. Tuy nhiên, có sự hỗ trợ của Nhà nước cũng giảm bớt phần khó khăn cho các chủ lò gạch.

Quyết liệt triển khai Nghị quyết 21

Theo Sở Xây dựng, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 cơ sở sản xuất gạch thủ công đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết 21 ở các huyện: Krông Pắc (9 cơ sở), Krông Bông (6 cơ sở), Krông Ana (5 cơ sở), huyện Lắk (3 cơ sở), Cư Kuin (2 cơ sở), Ea Kar (5 cơ sở), Krông Búk (1 cơ sở). Đến nay, 5 huyện đã hoàn thành phê duyệt phương án hỗ trợ cho các cơ sở, với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng (Krông Ana hỗ trợ 801,7 triệu đồng, Cư Kuin 219 triệu đồng, Ea Kar là 602,8 triệu đồng, Krông Pắc hơn 2 tỷ đồng, Krông Bông hơn 614 triệu đồng). Tại huyện Krông Búk và Lắk, cơ quan chức năng đã rà soát, hướng dẫn, nhưng các cơ sở không lập hồ sơ đề xuất hỗ trợ theo quy định.

Tuy là một chính sách đúng đắn và được người dân đồng tình nhưng việc hỗ trợ tháo dỡ lò gạch thủ công theo Nghị quyết 21 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, các cơ sở sản xuất gạch chủ yếu là các hộ gia đình, việc chấm dứt hoạt động và tự tháo dỡ ở nhiều thời điểm khác nhau nên việc kiểm tra, xác minh gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều lần. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện còn lúng túng; chậm phê duyệt phương án hỗ trợ. Bên cạnh đó, các địa phương còn khó khăn trong việc bố trí ngân sách chi trả tiền hỗ trợ cho các cơ sở, nên mặc dù đã ban hành quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ nhưng phải chờ UBND tỉnh hỗ trợ, dẫn đến việc chi trả tiền chưa hoàn thành.

Một cơ sở sản xuất gạch ngói tại xã Ea Uy (huyện Krông Pắc).

Để tháo gỡ vướng mắc, ngày 12/7/2024, Sở Tài chính có Tờ trình số 202/TTr-STC về việc bổ sung ngân sách có mục tiêu năm 2024 cho các huyện để hỗ trợ kinh phí tháo dỡ các cơ sở sản xuất gạch thủ công theo Nghị quyết 21 với số tiền 1,9 tỷ đồng từ nguồn chi khác thuộc ngân sách tỉnh (Ea Kar: 300 triệu đồng, Krông Bông: 600 triệu đồng, Krông Pắc: 1 tỷ đồng). Đối với kinh phí còn thiếu, các địa phương phải chủ động sử dụng nguồn ngân sách của huyện theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành để triển khai thực hiện.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ tháo dỡ lò gạch thủ công. Cụ thể, đối với UBND các huyện Ea Kar, Cư Kuin, Krông Pắc, Krông Bông, Krông Ana, Lắk, Krông Búk, rà soát công tác phổ biến, hướng dẫn tại địa phương, bảo đảm 100% cơ sở thuộc đối tượng xem xét, hỗ trợ theo Nghị quyết 21 nắm bắt được chính sách và các đơn vị chức năng tại địa phương tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở. Nếu phát hiện có trường hợp chưa được phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách hoặc đơn vị chức năng tổng hợp nhưng chưa đầy đủ nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở thì tổ chức xem xét, bổ sung, giải quyết theo đúng quy định và chính sách đã được HĐND tỉnh ban hành. Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính trong việc rà soát, kiểm tra hồ sơ tham mưu UBND tỉnh giải quyết kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 21 bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Ngày 22/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động các loại lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Định hướng đầu tư là đến năm 2015 xóa bỏ tối thiểu 50% số lò thủ công trên cả nước, đến năm 2020, xóa bỏ toàn bộ các lò thủ công trên phạm vi toàn quốc.

Minh Chi – Lê Lan


Ý kiến bạn đọc