Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ huyện Krông Búk: Giúp nhau làm kinh tế

07:09, 18/09/2024

Huyện Krông Búk có hơn 8.700 hội viên phụ nữ, trong đó có 2.462 hội viên dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia sinh hoạt tại 97 chi hội.

Nguồn thu nhập chính của hội viên chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, song còn khó khăn về vốn, thiếu kiến thức nên nhiều chị em, nhất là phụ nữ DTTS vẫn chưa thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện cho biết, xác định hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua Hội đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, tạo điều kiện cho hội viên trong lao động sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng, các cấp hội phụ nữ thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hỗ trợ, hướng dẫn chị em ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, thâm canh tăng vụ để tăng hiệu quả kinh tế.

Đặc biệt là tạo điều kiện cho chị em hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Tính đến nay, Hội LHPN huyện đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện cho 2.176 hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 131 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã vận động được 185 triệu đồng vào Quỹ Phụ nữ khởi nghiệp khởi sự kinh doanh cho 35 chị vay. Nhờ đó, nhiều hội viên phụ nữ có điều kiện vươn lên thoát nghèo, trở thành những điển hình trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Chị H Sơbat Niê (buôn Ktơng Drun, xã Cư Né) chăm sóc vườn cà phê của gia đình.

Gia đình chị H Sơbat Niê (SN 1984, ở buôn Ktơng Drun, xã Cư Né) là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế ở địa phương nhờ sự trợ giúp của hội phụ nữ. Chị cho hay, gia đình có nhiều đất sản xuất nhưng không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Đầu năm 2011, qua ủy thác của Hội LHPN xã Cư Né, chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện đầu tư chăn nuôi heo, mua thêm các loại cây giống như sầu riêng, mắc ca, chanh dây, cam... trồng xen canh vào vườn cà phê già cỗi. Ngoài ra, chị H Sơbat còn mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà, tự tạo việc làm cho mình, không phải đi làm thuê, làm mướn như trước nữa, từ đó kinh tế gia đình dần ổn định, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học. Tiếp đó, năm 2015 chị được Hội LHPN huyện cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp khởi sự kinh doanh để mua thêm phân bón chăm sóc vườn cây.

Hay như chị Hmen Kpă (SN 1975, cũng ở buôn Ktơng Drun, xã Cư Né) có chồng chị bị tai nạn mất sức lao động, mọi công việc trong gia đình do một mình chị gánh vác, cuộc sống rất vất vả. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của chị, năm 2017 Hội LHPN huyện cho chị vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp khởi sự kinh doanh; Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để mua phân bón, các loại cây giống trồng xen canh vào rẫy cà phê. Nhờ đó, năm 2022 gia đình chị thoát nghèo.

Chị vui vẻ cho biết: "Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi mà gia đình mình đã thoát nghèo. Mình mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn như mình về vốn, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để kinh tế gia đình họ ổn định".

Từ nguồn vốn vay, chị Hmen Kpă (giữa) ở buôn Ktơng Drun (xã Cư Né) mua thêm cây ăn trái trồng xen canh vườn cà phê để tăng thêm thu nhập.

Các chị H Sơbat Niê, chị Hmen Kpă chỉ là hai trong 46 hộ nghèo, cận nghèo ở huyện đã thoát nghèo nhờ Hội Phụ nữ các cấp giúp sức gần đây. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, hội viên phụ nữ huyện Krông Búk còn tích cực tham gia các phong trào thi đua như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”..., chị em đóng góp tiền mặt, hàng nghìn ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, các chi hội dọn dẹp vệ sinh thôn, buôn, phân loại rác xử lý đúng nơi quy định, tham gia trồng hoa, cây xanh nhằm tạo cảnh quan sáng - sạch - đẹp, góp phần làm bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Kim Huế


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.