Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực ổn định thị trường để người dân yên tâm đón Tết

08:08, 12/01/2022

Những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao, thị trường hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, giá hàng hóa tăng, thu nhập của người dân bị sụt giảm... 

Chung quanh vấn đề nỗ lực ngăn chặn hàng hóa vi phạm tuồn ra thị trường nhằm bảo vệ người dân mua sắm Tết, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông MAI MẠNH TOÀN - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk.

Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk.

* Thưa ông, dù đã có sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhưng tại sao vẫn còn nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường, chưa được xử lý dứt điểm?

Bằng sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng QLTT, nhiều vụ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đã được Cục QLTT triệt phá. Từ ngày 15/12/2020 đến 14/12/2021, Cục đã kiểm tra 1.147 cơ sở, xử lý 591 vụ với 699 hành vi vi phạm; phạt, thu nộp ngân sách nhà nước gần 4 tỷ đồng. Trước xu hướng tiêu dùng mới, Cục đã thành lập Tổ công tác Thương mại điện tử - Truyền thông, đây là lực lượng chuyên trách phối hợp xử lý các vụ việc trên nền tảng thương mại điện tử. Trong năm 2021, Tổ đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc kiểm tra 62 cơ sở, xử lý 60 vụ vi phạm hành chính trên nền tảng thương mại điện tử, với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 1 tỷ đồng.

Có thể nói, dù không phải là "điểm nóng", song tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh, nhất là tại nhiều vùng nông thôn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chính sự “tiếp tay” của người tiêu dùng, không tìm hiểu về thông tin sản phẩm mình đang mua mà chỉ dựa vào thông tin do người bán hàng cung cấp. Bên cạnh một số người “mua nhầm” thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền và nhu cầu, thị hiếu của họ. Thêm vào đó, tâm lý “ngại” tố giác, kiện tụng của một bộ phận người tiêu dùng đã gián tiếp “tiếp tay” cho việc phân phối và tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong khi đó, phương thức, cách thức vận chuyển, kinh doanh của gian thương ngày càng tinh vi và thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng chức năng. Đặc biệt năm nay, kinh doanh trực tuyến nở rộ, nguy cơ phát sinh nhiều hành vi vi phạm mới khiến công tác QLTT càng thêm gian nan.

* Với diễn biến thị trường như trên thì dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục QLTT tỉnh có những biện pháp nào để bảo vệ người tiêu dùng, thưa ông ?

Những tháng cuối năm luôn là thời điểm hoạt động gian lận thương mại “nóng” nhất khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hàng kém chất lượng, hàng giả lại càng có cơ hội trà trộn. Do đó, việc kiểm soát càng cần phải được thực hiện chặt chẽ, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao trên thị trường tỉnh.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra việc kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2022 tại TP. Buôn Ma Thuột.

Nhằm ổn định thị trường, Cục QLTT Đắk Lắk đã triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, Cục tăng cường công tác quản lý địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm, các địa bàn, tuyến trọng điểm; chú trọng kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, quy chuẩn chất lượng, việc niêm yết giá bán... đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, như: quần áo, bánh kẹo, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, các mặt hàng vật tư y tế... Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết cho người dân. Trong quá trình kiểm tra, xử phạt, Cục cũng kết hợp có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân và các đối tượng kinh doanh; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Đặc biệt, Cục tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện các hành vi lợi dụng môi trường thương mại điện tử để kinh doanh bất hợp pháp nhằm trục lợi. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các ngành chức năng theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường để triển khai kế hoạch sát với thực tế tại địa bàn quản lý.

* Ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng địa phương khi mua sắm Tết?

Chúng tôi nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để ổn định thị trường, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng mua sắm Tết. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ và chấp hành pháp luật trong hoạt động mua sắm, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tôi xin đưa ra một số lời khuyên thiết thực cho người tiêu dùng khi mua hàng như: Cần lựa chọn những địa chỉ mua hàng uy tín, tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm trước khi chọn mua. Đối với việc mua bán trên nền tảng thương mại điện tử, nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng, tìm hiểu kỹ về điều khoản bảo hành, phương thức vận chuyển và giao nhận… Người dân cũng nên kịp thời phản ánh, thông báo ngay cho các lực lượng chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm. Về phía đơn vị, Cục QLTT tỉnh thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, hình thức, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, mua bán hợp pháp của các cơ sở kinh doanh và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

* Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lan (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.