Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai 9X phát triển nghề làm bún của gia đình

05:15, 03/08/2021

Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, anh Hoàng Mạnh Quang (SN 1997), ở tổ dân phố 12, phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) quyết định về địa phương tiếp nối và phát triển nghề làm bún của gia đình.

“Từ nhỏ tôi đã ấp ủ mong muốn nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề làm bún của gia đình, nên quyết tâm theo học ngành Cơ khí chế tạo máy để tạo bước đệm cho ước mơ sau này”, anh Quang chia sẻ.

Đầu năm 2020, được gia đình hỗ trợ 200 triệu đồng, anh Quang đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất bún khô hiện đại gồm: máy vo gạo, thùng ngâm gạo, máy xay bột, ép nước, khuấy bột, ép sợi… và bắt đầu tiếp quản nghề làm bún khô của gia đình với thương hiệu Mạnh Quang.

Anh Quang cho biết, để tạo ra những mẻ bún khô mềm, dai, bảo đảm chất lượng, công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất là chọn loại gạo ngon, sau đó xay xát sạch sẽ rồi nghiền thành bột trộn với nước đưa vào máy làm bún. Từng sợi bún trắng ngần, dẻo dai từ từ được đẩy ra, được cắt thành từng đoạn chừng 50 cm rồi đặt lên giá phơi.

Anh Hoàng Mạnh Quang (phường An Bình, thị xã Buôn Hồ) tại xưởng sản xuất bún khô.

Quy trình sản xuất bún khép kín, các công đoạn xay gạo, vắt bột, khuấy bột... đã được cơ giới hóa, nhưng không thể giao khoán cho máy móc hoàn toàn. Người đứng máy phải biết bỏ lượng gạo vào máy xay cho đều, đưa bột vào máy ép phải đủ nhiệt độ chín thì bún mới ngon, sợi trắng và dai, đem phơi nắng sẽ khô nhanh, bóng đẹp và thơm mùi nắng.

Để sản phẩm bún khô của gia đình được nhiều người tiêu dùng biết đến, anh Quang chủ động tiếp thị, gửi bán thử, đưa sản phẩm đến các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch… Nhờ uy tín, chất lượng, sản phẩm bún khô của anh sản xuất ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Hiện ngoài sản xuất bún khô, anh Quang còn sản xuất thêm mì ống, mì sợi, bún củ dền, gạo lứt, phở khô… Trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường trên 300 kg bún phở khô, với giá bán từ 25.000 - 40.000 đồng/kg (tùy loại), tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương. Anh Quang dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Bình đánh giá, anh Quang là hội viên nông dân trẻ năng động, dám nghĩ dám làm. Không chỉ tạo dựng được cơ sở sản xuất bún khô theo phương thức sản xuất hiện đại, tạo việc làm cho nhiều lao động mà còn góp phần giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của gia đình, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.