Multimedia Đọc Báo in

Thống nhất mã QR công dân: Bước tiến xây dựng đô thị thông minh

06:56, 19/09/2021

Bộ Công an vừa chính thức đưa phần mềm khai báo y tế VNEID vào hoạt động để hỗ trợ truy vết F0 trong phòng, chống dịch COVID-19, kỳ vọng sẽ là phần mềm ứng dụng công nghệ với mã QR thống nhất cả nước về hỗ trợ quản lý công dân. Nếu thực hiện được việc này, công tác quản lý đô thị thông minh tại các tỉnh thành sẽ có thêm một bước tiến quan trọng.

Mô tả của Bộ Công an cho thấy, VNEID xây dựng trên cơ sở hệ thống khai báo di chuyển nội địa, lấy mã QR do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) triển khai thời gian qua. Dữ liệu của hệ thống khai báo này là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đã triển khai lâu nay, cụ thể liên quan đến căn cước công dân điện tử cả nước. Như vậy, khi dùng phần mềm VNEID, người dân sẽ đồng thời chứng thực vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, một yêu cầu cần thiết để thống nhất mã QR công dân cho cả nước.

Trước VNEID, chỉ riêng mảng phòng, chống dịch, cả nước đã có rất nhiều ứng dụng khai báo y tế cùng hoạt động, như: NCOVI, Sổ sức khỏe điện tử, Health declaration, Bluezone, tokhaiyte.vn… Đây mới chỉ là các ứng dụng do Bộ Y tế triển khai cùng các đơn vị công nghệ. Tại các tỉnh thành, số lượng các ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch còn đa dạng hơn, gần như mỗi tỉnh thành đều có một app công nghệ như vậy.

Chỉ riêng Đắk Lắk, Tổ Công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch thuộc Sở Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch cấp mã QR cho người dân tham gia nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến, nền tảng quản lý tiêm chủng tại địa chỉ https://giscovid.hcdt.vn, rồi Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 tại địa chỉ https://antoancovid.vn. Đội ngũ công chức, viên chức địa phương còn được sử dụng hệ thống quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR tại các cơ quan, đơn vị.

Người dân khai báo y tế điện tử tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên Quốc lộ 14 đoạn qua xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Kim Hoàng

Phản ánh của chính các địa phương và đông đảo người dân cho thấy, tất cả những phần mềm, ứng dụng công nghệ đang triển khai đều có nhược điểm chung là không đồng bộ dữ liệu, không kết nối với nhau dẫn đến thất thoát dữ liệu truy nhập khiến sai lệch về thống kê, quản lý của các cơ quan chức năng, các tỉnh thành là rất lớn. Đơn cử một xe ô tô xuất phát từ Hà Nội vào Đà Nẵng, ở mỗi tỉnh phải cài một phần mềm khai báo y tế, đi lại. Tại Thừa Thiên - Huế, chiếc xe sẽ được cập nhật dữ liệu ở phần mềm Hue-S. Nhưng khi vào Đà Nẵng, tài xế lại chuyển dữ liệu qua phần mềm Smart-City do Đà Nẵng phát triển. Bộ Y tế muốn truy vết chiếc xe, phải tiến hành đồng bộ dữ liệu với từng tỉnh thành, rất phiền phức và dễ sai lệch.

Cơ quan quản lý chức năng còn gặp phiền toái như vậy, người dân sử dụng sẽ còn bị phiền hà bao nhiêu, khi phải liên tục cài đặt, khai báo phần mềm ứng dụng trong khi bản thân họ không hiểu gì công nghệ thông tin và thiết bị điện tử.

Bởi thực trạng đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh khi chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 rằng, trong thời gian sớm nhất, cả nước chỉ nên có một ứng dụng duy nhất, thuận tiện cho người dân sử dụng. Nền tảng ứng dụng là phải thống nhất thông tin, dữ liệu. Thông tin người dân đã khai báo ở các ứng dụng lâu nay phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng chung. Các bộ ngành, tỉnh thành phải thống nhất kết nối, đặc biệt phải trang bị, tập huấn, hướng dẫn các lực lượng chức năng sử dụng, tổ chức cập nhật dữ liệu quản lý trên phần mềm này. Cụ thể tại các chốt chặn kiểm soát, lực lượng chức năng phải sử dụng thành thạo thiết bị quét mã QR để cập nhật dữ liệu phương tiện, công dân vào cơ sở dữ liệu dùng chung, quản lý công dân cả nước, từ đó mới cập nhật truy vết, giúp cơ quan chức năng hợp nhất được dữ liệu để phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Theo các chuyên gia tư vấn, mở rộng hơn, ứng dụng mã QR công dân sẽ phục vụ đắc lực cho công tác chuyển đổi số toàn quốc và từng địa bàn, thực hiện được yêu cầu “mỗi công dân một mã số” đã đề ra nhiều năm qua. Theo đó, định danh mã QR của mỗi người dân sẽ là dữ liệu để cấp mã định danh (thẻ xanh), thống nhất từ giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tài khoản ngân hàng, cho đến thẻ thư viện, thẻ học viên… Về tương lai, chính định danh mã này cũng là số điện thoại cá nhân, tài khoản truy nhập các mạng xã hội, trò chơi điện tử, mạng công dân điện tử…

Đối với các đô thị, rõ ràng việc hợp nhất dữ liệu công dân qua mã QR công dân toàn quốc như vậy sẽ tạo nền tảng xây dựng vững chắc mô hình công dân điện tử, phục vụ các thành phố thông minh, các chính quyền điện tử. Ý tưởng thiết chế một phần mềm mã code chung như VNEID vì thế rất cần được các địa phương cùng quan tâm triển khai.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.