Multimedia Đọc Báo in

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học

16:23, 28/09/2021

Ngày 28-9, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về nhiệm vụ chủ yếu của ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2021 - 2022, với 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu.

Theo đó, bên cạnh việc chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại địa phương cần tiến hành rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020 - 2021; có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.

Đối với những vùng khó khăn, vùng miền núi không có đủ điều kiện dạy học trực tuyến, nhà trường chủ động phối hợp với phụ huynh tổ chức cho học sinh học tập với các hình thức linh hoạt để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục; không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non; tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa cũng cần được quan tâm, chú trọng; xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (TP. Buôn Ma Thuột) học trực tuyến. (Ảnh minh họa)
Học sinh Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (TP. Buôn Ma Thuột) học trực tuyến. (Ảnh minh họa)

Chỉ thị cũng nêu rõ: Trong năm học 2021 - 2022, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, chất lượng giáo dục học sinh dân tộc, giáo dục học sinh khuyết tật; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn…

Bên cạnh đó, cần ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6. Triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn phân bổ theo Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phân cấp, cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng trường học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án, Dự án để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; nâng cao tỷ lệ phòng học kiên cố; đẩy mạnh việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Huy động các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục và thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…

UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học; đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển GD-ĐT…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.