Multimedia Đọc Báo in

"Bơng Ka Tê "

05:53, 19/02/2018

“Bơng Ka Tê” là một câu trong lời khấn mở cửa bằng tiếng Chăm của cả sư nơi thềm Tháp Pô Klong Ji Rai (Ninh Thuận) trước hàng ngàn người Chăm gương mặt thành kính mang đồ lễ về nguyện cầu vây xung quanh tháp.

Trong tiếng Êđê “bơng” có nghĩa là ăn, cũng cùng nghĩa trong tiếng Chăm. Có nghĩa là ngày hội Ka Tê cũng giống như ngày Tết Nguyên đán của người Việt, với từ dân dã là “ăn tết” và như người Êđê nói rằng “huă blăm- mnăm th-n” (ăn năm uống tháng) vậy.

Ka Tê Chăm thường sẽ diễn ra ba ngày, ở ba không gian khác nhau: đền, tháp và gia đình. Hai ngày đầu mọi nhà đều đóng cửa. Ngày thứ nhất, các bậc cao niên trong plei (làng) cùng đông đảo bà con khiêng võng kiệu lên rước y trang của Bà Chúa tại làng người Răk Glay (tương truyền rằng khi loạn lạc binh đao xảy ra, người Chăm đã mang đồ của Hoàng gia lên gửi cho em út là người Răk Glay; nên  mỗi năm một lần vào dịp Ka Tê, người Chăm lại lên rước về cúng rồi sau đó rước lên gửi lại). Đoàn người trang phục lộng lẫy với áo dài trắng của các cả sư, áo nhung của những già làng, áo dài, váy, khăn choàng các màu, đủ cả vàng, đỏ, xanh, cam…, cả những bộ váy, áo thổ cẩm Răk Glay, nét mặt hồ hởi, rước võng kiệu lên nhận y trang ở plei Mu Tan Ranh của người Răk Glay, về đền bà chúa Klăn Pô Y Nư Nương Gằn tọa lạc tại thôn Tân Đức. Đoàn người trôi đi trong tiếng hát nhạc và múa rộn ràng của hơn 400 thanh thiếu nữ. Ánh mắt lúng liếng, thân hình và cánh tay cầm quạt, hoặc đội nồi đất uyển chuyển, các em gái Chăm, Răk Glay làm say đắm lòng du khách và các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Ngôi đền trong plei Tân Đức là nơi người Chăm từng làm lễ rước hồn bà Chúa từ Tháp Bà Pô Na Ga (Nha Trang) về thờ. Đền đã được trùng tu lại khang trang. Tối ngày thứ nhất, cả plei sẽ tụ tập tại đền cúng cầu an mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn.

Rộn ràng Ngày hội Ka Tê của người Chăm.
Rộn ràng Ngày hội Ka Tê của người Chăm.

Ngày thứ hai, tất cả các plei ở gần ngôi tháp nào sẽ cùng nhau mang lễ vật tới đó và đợi chờ giờ phút linh thiêng. Ninh Thuận, Bình Thuận là nơi cư trú tập trung của người Chăm nên có nhiều đền tháp. Tháp chính ở Ninh Thuận, nơi người Chăm hội tụ trong ngày Bơng Ka Tê chính là tháp Pô Klong Jirai, nằm ngay sát trung tâm thành phố. Hàng trăm mâm lễ của các gia đình, mâm nào cũng có đủ gà và trứng luộc, các loại trái cây, rượu, nước trà… Sau khi cả sư khấn xin mở cửa tháp, những người phụ nữ chủ gia đình sẽ mang trầu cau và rượu lên sân cúng trước tháp, nhờ các thầy khấn tên gia đình mình (để trả nợ một năm qua hoặc cầu an cho năm mới), rồi kiên nhẫn chờ đến lượt nhà mình được mang lễ vào trong tháp. Không gian quanh tháp thật rộn ràng. Âm thanh của những tiếng nhạc, câu hát, dáng điệu uyển chuyển của các cô gái múa hòa lẫn với sắc màu rực rỡ của cờ hoa và trang phục khiến cho rêu phong trên tháp cổ uy nghiêm dường như ấm lại. Các vị thần linh thiêng như đang hiện diện bên niềm vui của con dân. Những ngày này tất cả các làng đều vắng ngắt.

Ngày thứ ba là ngày của gia đình. Nhà nhà sum họp tại gia, phụ nữ tập trung ríu rít trổ tài làm những món bánh và món ăn truyền thống, đàn ông hồ hởi thăm hỏi, trò chuyện cùng nhau với tình cảm thân thiết. Con cháu đi xa hẹn nhau cùng trở về hội tụ trong không gian đầm ấm của gia đình. Người bạn vong niên của tôi, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Bố Xuân Hổ ở huyện Bắc Bình, nhờ con cháu ông gửi hẳn chương trình làm bánh, cúng tại gia mời chúng tôi tham dự. Tiếc rằng các nghệ sĩ nhiếp ảnh đam mê với lễ hội của làng gốm Bàu Trúc đón nhận Bằng Di sản văn hóa cấp quốc gia nên bỏ lỡ lời mời gọi thú vị này.

Tương tự như Tết Chôl Thnăm Thmây cổ truyền của người Khơme, người Chăm cũng có một vài ngày trong năm để cháu con sum họp. Trong những ngày đó, mọi nghi lễ, mọi tập quán tinh hoa nhất liên quan tới tâm linh của Chăm hay Khơme đều được bộc lộ một cách hào hứng. Từ phong tục, trang phục truyền thống, nghệ thuật diễn xướng cho đến nghệ thuật ẩm thực… đều có dịp phô bày, cho chính đồng tộc mình, gia đình mình thưởng lãm.

Dự ngày sum họp gia đình của người Khơme, người Chăm, lại nghĩ đến các dân tộc ở Tây Nguyên mình. Tây Nguyên có hẳn di sản quốc tế về văn hóa cổ truyền, mỗi năm có đến hàng chục không gian diễn xướng lễ hội độc đáo, nào là uống nước giọt, đóng cửa kho lúa, ăn cơm mới, chúc sức khỏe người già, mừng tuổi thành niên… Vậy mà bây giờ có còn ngày nào trong năm để những đứa con xa xứ tìm về dưới mái nhà sàn, trong vòng tay thương yêu của gia đình và buôn làng, như các bạn Chăm và Khơme?

Đề án Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số của TP. Buôn Ma Thuột có một ý tưởng do người dân tự đề xuất: mỗi năm, ở mỗi buôn, vào mùa xuân sẽ có một ngày Hội dọn bến nước (thay cho lễ cúng bến nước thuở nào, buôn nào không còn bến nước thì dự cùng buôn bên cạnh), người dân cả buôn sẽ cùng nhau tụ hội, dọn dẹp sạch sẽ bến nước, buôn làng, tấu ching và ăn bữa ăn cộng cảm như người Xê Đăng làng Kon H’ring (huyện Cư M’gar) vẫn làm. Mong lắm ý tưởng này sẽ được thực hiện, cho tiếng ching knah lại vang lên trong những căn nhà sàn, màu thổ cẩm đỏ đen ấm nắng sớm buôn làng, rượu cần chảy rong róc trong những chiếc ché long lanh đầy nước, cho Hội dọn bến nước cũng được sum vầy đông vui náo nức như Bơng Ka Tê, Chôl Thnăm Thmây. 

H'Linh Niê

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.